Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, xét nghiệm cả F4 để tìm ca mắc COVID-19

Cập nhật 30/1/2021, 10:01:28

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng việc truy vết F0 là cần thiết nhưng ưu tiên đầu tiên là truy vết tất cả những người liên quan đến chủng COVID-19 mới.

Một lần nữa dịch COVID 19 bùng phát tiếp tục thử thách sức chúng ta. 2 ổ dịch ở TP Chí Linh (Hải Dương) và sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) phức tạp hơn, nghiêm trọng hơn những lần phát hiện trước đây với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể mới virus. Chuỗi 55 ngày không có ca lây nhiễm ở cộng đồng bị chấm dứt bởi 2 ca nhiễm mà chưa rõ nguồn lây F0.

Điều này cho thấy bài học không thể chủ quan lơ là phòng chống dịch bệnh. Với tinh thần là khoanh gọn nhất, dập nhanh nhất có thể, không để dịch lây lan rộng, các bộ ngành, từ Trung ương đến từng địa phương đã khẩn trương truy vết và khoanh vùng kịp thời các ca nhiễm và nghi nhiễm.

Tính đến 6h sáng 30/1, Việt Nam đã ghi nhận thêm 34 ca mắc mới COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó 2 ca bệnh ở Quảng Ninh đều có tiếp xúc với bệnh nhân 1553. Còn lại 32 trường hợp đều được phát hiện tại TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Như vậy Việt Nam đã ghi nhận tổng 1737 ca.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, xét nghiệm cả F4 để tìm ca mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Công ty POYUN Việt Nam. Ảnh: Facebook POYUN Việt Nam.

Cho đến thời điểm này, các địa phương có các ca lây nhiễm trong cộng đồng đang đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu, xét nghiệp trên diện rộng.

Tại Hải Dương, tất cả công nhân ở nhà máy Poyun đều được lấy mẫu xét nghiệm và đưa đi cách ly tập trung. Bộ Y tế đề xuất cần phong tỏa thêm 6 xã nữa của Chí Linh.

Tại Quảng Ninh, liên tục trong 2 ngày qua, lực lượng chức năng đã lấy mẫu, mở rộng đối tượng xét nghiệm. Tỉnh này lên kế hoạch sẵn sàng tăng công suất xét nghiệm tối đa tới 800 mẫu mỗi ngày.

TP Hà Nội đang rà soát mở rộng các cơ sở cách ly, phòng trường hợp xấu nếu dịch bùng phát, đồng thời giám sát các nhà xe phải ghi chép kỹ thông tin hành khách các tuyến liên tỉnh, đặc biệt đến từ các tỉnh thành đang có dịch.

Sau khi phong tỏa Bệnh viện Trẻ em, từ chiều 29/1, xe đặc chủng của Quân khu 3 bắt đầu khử trùng các tuyến phố trung tâm thành phố Hải Phòng. 8 chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 được lập tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Học sinh toàn thành phố nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Tại Bắc Ninh, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài đã bị phong tỏa. Toàn bộ học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh đã được tạm thời cho nghỉ học. Từ chiều 29/1, Bắc Ninh tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn; các dịch vụ không thiết yếu.

Từng có kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo chống dịch COVID 19 tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung hồi tháng 8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định: “Sau 55 ngày chúng ta đã phát hiện BN 1552 ở Hải Dương và BN 1553 ở Vân Đồn. Chỉ 1 ngày sau, chúng ta đã lên đỉnh dịch cao nhất trong 1 ngày là 82 trường hợp. Sau đó phát hiện những trường hợp mắc mới với con số lớn. Hiện chúng ta đang phân tích trình tự gen của virus này tại bệnh viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Theo thông tin từ phía Nhật Bản, có thể đây là biến chủng đã đột biến từ Anh lan ra 80 nước trên thế giới. Chúng ta cần hết sức cảnh giác với biến chủng mới, đặc biệt là tốc độ lây lan trong cộng đồng”.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, xét nghiệm cả F4 để tìm ca mắc COVID-19 - Ảnh 2.

“Về phía ngành y tế, chúng tôi luôn có thái độ cảnh giác, đánh giá tất cả tình huống xảy ra khi lây lan trong cộng đồng. Tình hình nhập cảnh trái phép từ các nước về Việt Nam đã được nâng lên mức độ cảnh giác cao nhất để bảo đảm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, chúng ta không thể cho rằng đã kiểm soát được người nhập cảnh trái phép. Thứ 2 là việc bảo đảm an toàn trang phục bảo hộ của các nhân viên phục vụ tại các cảng cửa khẩu. Chúng tôi cho rằng đây cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến việc lây lan khi các hành khách mang virus dương tính rất nhiều về Việt Nam. Thứ 3 là điều kiện an toàn phòng chống COVID-19 trong các khu cách ly tại các cơ sở tập trung hiện được quản lý rất tốt. Tuy nhiên cũng có trường hợp lơ là và lây ra cộng đồng” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu ra những vấn đề cần đề phòng, không thể chủ quan trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá việc truy vết F0 là cần thiết, tuy nhiên theo kinh nghiệm ở Đà Nẵng, dù không tìm ra F0 nhưng vẫn có thể khống chế được dịch.

“Ưu tiên đầu tiên là truy vết tất cả những người liên quan đến chủng virus này. Chúng ta chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, không chỉ xét nghiệm cho F1, F2, F3 mà còn xét nghiệm đến F4 để quét hết cộng đồng nghi ngờ để tìm các ca lây nhiễm COVID-19” – ông Nguyễn Trường Sơn nói.

Hành động nhanh hơn nữa để dập dịch COVID-19 trước Tết

Biến thể mới của Sars-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh, nên các bộ, ngành và địa phương phải hành động nhanh hơn nữa để dập được các ổ dịch này trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương chiều qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trong cả nước không được chủ quan, lơ là vì biến thể mới của COVID-19 có tốc độ lây lan rất nhanh. Do đó, phải tiếp tục thực hiện phương châm lấy phòng dịch là ưu tiên, khóa chặt nguy cơ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch từ bên trong và chữa trị kịp thời những người mắc bệnh. Các địa phương cũng phải xét nghiệm ngay những người nghi nhiễm Sars-CoV-2, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Chưa bao giờ quyết liệt như bây giờ, xét nghiệm cả F4 để tìm ca mắc COVID-19 - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo họp khẩn về phòng, chống COVID-19 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Ảnh: VGP)

Thủ tướng cũng yêu cầu toàn bộ các bệnh viện trong cả nước phải thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, không được để xảy ra tình trạng như một số bệnh viện ở Đà Nẵng hồi tháng 7 năm ngoái.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu những địa phương ghi nhận người mắc mới cần giãn cách xã hội chính xác theo khuyến cáo của ngành y tế để thực hiện được mục tiêu kép, với ưu tiên bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Các địa phương cũng phải thực hiện các biện pháp yên lòng dân, nhất là các khu vực bị phong tỏa, đi cùng với bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đảm bảo hàng hóa cho Tết Tân Sửu. Đồng thời tìm cách giải tỏa hàng hóa, nhất là nông sản cho người dân. Các bộ ngành và địa phương dừng các hoạt động có tập trung đông người không cần thiết, như ăn mừng, các trận bóng đá. Còn các đám ma, đám cưới hạn chế số người tham dự để phòng chống dịch bệnh.

Cũng trong cuộc họp Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã phê duyệt Vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch, với cam kết khoảng 30 triệu liều trong năm nay.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong phòng chống dịch bệnh COVID 19 nhưng thực tế những ngày qua lại nhắc nhở chúng ta bất cứ một phút giây lơi là nào sẽ khiến phải trả giá không nhỏ. Cùng với những lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch thì chính mỗi người dân là một tấm lá chắn trên mặt trận đó, bằng chính ý thức của mỗi người vì chính mình và vì xã hội.

Theo VTV


Lượt xem: 20

Trả lời