Thiếu mặt bằng và vật liệu đang “bó chân” nhà thầu cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn

Cập nhật 13/5/2023, 13:05:13

Việc triển khai thi công dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là mặt bằng “xôi đỗ” và thủ tục cấp phép mỏ vật liệu thi công đang bị vướng…

Mặt bằng “xôi đỗ” liên tục

Dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.

Dự án có chiều dài 88km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km, qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Giai đoạn 1, cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn có quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành toàn tuyến vào quý III năm 2026. Do đó, ngay sau khi khởi công, nhà thầu đã tập trung thi công các hạng mục của dự án. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thi công, khối lượng công việc đã thực hiện của dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân do mặt bằng của dự án rơi vào tình trạng “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38km, hơn 4km đã có mặt bằng nhưng chưa thể thi công.

Ông Nguyễn Tấn Đông-đại diện nhà thầu chính cho biết, trong phạm vi đảm nhận thi công, đến nay, địa phương/chủ đầu tư đã bàn giao cho nhà thầu diện tích mặt bằng 63,8/88km đạt 72,5%, tuy nhiên mặt bằng thực tế nhà thầu có thể tiếp cận thi công được là 50,9km, đạt 57,8%.

Cụ thể, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân tái định cư chưa di dời, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng nên người dân chưa đồng ý cho nhà thầu triển khai thi công, đền bù xong nhưng người dân mong muốn khai thác xong nông sản mới bàn giao,…

“Hiện nhà thầu đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, đường găng. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt hơn 72%, đây là tỷ lệ bàn giao mặt bằng cao so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, nhiều vị trí còn “xôi đỗ”, phần mặt bằng có thể tổ chức thi công liên tục chỉ được khoảng 38km”, ông Đông cho biết.

Còn tại gói thầu XL1, hiện đang triển khai 13/14 mũi thi công (5 mũi thi công cầu, 8 mũi thi công đường) với khoảng 270 nhân sự và 130 đầu máy thiết bị thi công. Việc vướng mặt bằng khiến việc triển khai các mũi thi công không liên tục, một số vị trí chư thể triển khai thi công, ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu.

Tại gói thầu XL2, nhà thàu đã triển khai 11/13 mũi thi công (4 mũi thi công hầm, 7 mũi thi công đường) với khoảng 370 nhân sự và 100 đầu máy thiết bị thi công; Gói thầu XL3 đã triển khai 8/8 mũi thi công (2 mũi thi công hầm, 6 mũi thi công đường) với hơn 180 nhân sự và 60 đầu máy thiết bị thi công. Sản lượng thi công tại dự án đạt khoảng 55,2 tỷ đồng.

Cũng theo ông Đông, một số vị trí đã được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đường tiếp cận, một số đoạn tuyến có đường tiếp cận thì chưa được bàn giao mặt bằng do vướng nhà dân chưa di dời. Do đó, hiện nhà thầu chỉ có thể tập trung tại các hạng mục đường găng của 3 hầm, 2 cầu lớn, các nút giao và một số đoạn cần xử lý đất yếu.

“Theo tiến độ bàn giao mặt bằng mà Chính phủ giao cho Bộ GTVT, địa phương hoàn thành trong tháng 6/2023, thời điểm đó cũng gần đến mùa mưa nên việc triển khai thi công của nhà thầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Ban QLDA, địa phương và nhà thầu cần phối hợp ưu tiên bàn giao sớm các vị trí đường găng tiến độ như cầu lớn, nút giao, hầm, xử lý đất yếu; phần còn lại cần đưa ra tiến độ bàn giao cụ thể để nhà thầu điều phối nhân lực, thiết bị phù hợp tránh việc phải chờ nhau”, ông Đông nói.

 “Điểm nghẽn” nguồn vật liệu cần được sớm tháo gỡ

Đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn cho biết, nhu cầu đất đắp toàn tuyến khoảng 12,6 triệu mét khối và nhu cầu cát xây dựng khoảng 1,3 triệu mét khối. Nhà thầu đã chủ động thực hiện công tác khảo sát và trình hồ sơ thủ tục cấp phép khai thác mỏ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu thi công dự án. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải rất nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tấn Đông, doanh nghiệp đã nhận diện các rủi ro về nguồn vật liệu và kiến nghị các cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay chưa được giải quyết.

“Lo ngại lớn nhất là thiếu vật liệu. Nhà thầu đã khảo sát 34 mỏ đất, 19 mỏ đá và 12 mỏ cát ở địa phương, nhưng trữ lượng không đủ. 4 mỏ với khoảng 1,23 triệu m3 vật liệu vẫn chưa được tỉnh phê duyệt quy hoạch để nhà thầu làm thủ tục khai thác. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo giao nhà thầu trực tiếp khai thác mỏ vật liệu, đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ. Với mỏ thương mại, chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng”, đại diện nhà thầu cho biết.

Theo đại diện Ban điều hành dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, trình tự, thủ tục cấp phép mỏ, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ngãi và UBND tỉnh Bình Định hướng dẫn trình tự thủ tục khác nhau (không theo hướng dẫn của Bộ TNMT tại văn bản số 1711/BTNMT-KSVN ngày 17/3/2023).

Lý do, hướng dẫn của Bộ TNMT là văn bản hành chính có nội dung không phù hợp với quy định tại Luật, Nghị định, Nghị quyết (Luật đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Nghị quyết 119/NQ-CP của Chính phủ), nên địa phương không có cơ sở áp dụng.

Cụ thể, tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Nghị định 158/2016/NĐ-CP (không thực hiện rút gọn theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 133 và 60 của Chính phủ). Địa phương hỗ trợ bằng cách rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục. Theo quy trình này phải mất 60-90 ngày.

Tỉnh Bình Định hướng dẫn rút ngắn thủ tục 1 phần theo văn bản 1411/BTNMT-KSBN của Bộ TNMT thực hiện các thủ tục đăng kí khai thác khoáng sản theo văn bản 3328/QĐ-UBND ngày 12/10/2022. Theo quy trình này phải mất 47 ngày.

Về giải phóng mặt bằng mỏ vật liệu, việc thu hồi đất các khu mỏ vật liệu theo văn bản số 1711/BTNMT-KSVN chưa phù hợp với Điểm đ, Khoản 3, Điều 62 Luật đất đai 2013 nên địa phương không thực hiện GPMB; mà giao cho nhà thầu tự thỏa thuận với người dân thực hiện dẫn đến xảy ra các bất cập.

Người dân đưa ra chi phí đền bù cao hơn quy định của Nhà nước (cao gấp 2-3 lần), trong khi quy định tại hợp đồng là mức đền bù bằng đơn giá của Nhà nước dẫn đến nhà thầu không thực hiện được.

“Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng sớm ban hành văn bản pháp quy (Nghị quyết của Quốc hội/Nghị quyết của Chính phủ) quy định cụ thể về trình tự hồ sơ, thủ tục cấp phép mỏ vật liệu theo hướng nhà thầu lập hồ sơ đăng ký khai thác các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án. Địa phương giao mỏ cho nhà thầu khai thác thi công cao tốc và nộp thuế phí theo quy định”, ông Đông nói.

Bện cạnh đó, đại diện nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT sớm có quyết định điều chỉnh bổ sung phạm vi GPMB các mỏ vật liệu và bãi thải vào dự án. Chủ đầu tư tổ chức cắm cọc GPMB và bàn giao cho địa phương triển khai các thủ tục thu hồi đất, chi phí GPMB thuộc chi phí GPMB của dự án.

Bộ TNMT và địa phương có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi đất vĩnh viễn đối với các bãi đổ thải để phục vụ dự án.

“Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát, ban hành bổ sung các định mức còn thiếu, cập nhật công nghệ mới, các hệ số, công tác cần thiết vào các định mức; sửa đổi định mức không còn phù hợp; cập nhật lại đơn giá ca máy, nhân công phù hợp với chi phí các nhà thầu đang phải trả”, đại diện nhà thầu kiến nghị./.

 VOV.

Lượt xem: 3

Trả lời