Thiếu hụt nguồn cung mô tạng cho bệnh nhân, cách nào giải quyết?

Cập nhật 04/3/2024, 07:03:55

Hiện nay, có tới hàng chục nghìn bệnh nhân suy gan, suy thận, suy tim đang chờ ghép tạng. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới ghép được khoảng 2.000 trường hợp do không có đủ mô tạng. Trong khi đó, nguồn cung mô tạng từ người chết não, đặc biệt trong các vụ tai nạn giao thông của Việt Nam khá lớn.

Tuy nhiên, những rào cản về quy định và quan niệm, suy nghĩ của người dân đang cản trở việc sử dụng hiệu quả nguồn mô tạng này. PV có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về nội dung này.

PVXin ông cho biết hiện nay tình trạng ghép tạng từ những người chết não tại Việt Nam như thế nào?

PGS Nguyễn Quang Nghĩa: Thực trạng hiến mô tạng từ người chết não Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên, so với nhu cầu và thực tế, chiếm số lượng rất nhỏ. Theo thống kê không chính thức, hàng năm, Việt Nam có khoảng hơn 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông và còn rất nhiều trường hợp tử vong do bệnh lý mạch máu não. Đấy là những đối tượng tiềm năng để có thể hiến tạng được.

Theo số liệu của Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm chỉ ghép tạng từ khoảng 10 đến 20 bệnh nhân, tính chung cho cả nước có thể chỉ có 30 bệnh nhân, chiếm một phần rất nhỏ so với nguồn hiến tạng tiềm năng từ người cho chết não. Đấy là một vấn đề rất cấp bách vì nhu cầu người chờ nhận tạng từ người cho chết não rất nhiều. Một số tạng như thận, gan có thể nhận từ người cho sống nhưng một số tạng như tim, phổi phải ghép từ người chết não.

Trong vòng 14 năm, từ năm 2009 năm 2023, từ 100 trường hợp hiến tạng từ người cho chết não, Bệnh viện Việt Đức đã ghép tạng cho 60 trường hợp. Trong đó ghép thận 85 trường hợp, ghép gan 54 trường hợp, ghép phổi 16 trường hợp. Con số này vẫn còn khiêm tốn. Nếu chúng ta có thể tận dụng được tối đa, thì số lượng các ca được ghép tăng hơn nhiều nữa.

Tuy nhiên, do điều kiện thực tế và đặc biệt là do đặc điểm người bệnh, một số tạng trong quá trình chẩn đoán chết não đã bị tổn thương không thể ghép tạng được. Mặt khác, đa số người hiến tạng chết não là nhóm nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông, có đặc điểm, ngoài bị chấn thương sọ não, nạn nhân còn bị ít nhất một tổn thương ở trong lồng ngực hoặc bụng. Đây là một trong những cản trở cho con số được phép nó ít hơn so với kỳ vọng

PV: Thưa ông, trong quá trình thực hiện ghép tạng có gặp khó khăn gì?

PGS Nguyễn Quang Nghĩa: Tôi có thể khẳng định rằng, về mặt trình độ như trang thiết bị các bệnh viện tuyến trung ương của Việt Nam, thậm chí là một số bệnh viện tuyến tỉnh là hoàn toàn có đủ năng lực để có thể tiến hành ghép tạng từ người cho sống và người cho chết não.

Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức có 25-26 trung tâm ghép tạng từ Trung ương đến địa phương, một số bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện các phẫu thuật cấy ghép tạng rất là tốt.

Có lẽ khó khăn duy nhất để cản trở đến sự phát triển để ghép tạng, đó là nguồn tạng. Nguồn tạng có hai nguồn một là từ người hiến sống và người chết não. Tuy nhiên, chúng ta thấy vấn đề nhận tạng từ người hiến sống, đặc biệt không cùng huyết thống có những bất cập, có những rào cản pháp lý nên có lẽ trong tương lai xu hướng ghép tạng từ người chết não sẽ phát triển.

Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm chúng tôi chỉ tiếp nhận được khoảng từ 50 đến 70 đơn đăng ký hiến tạng sau khi chết não. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trong số này đủ tiêu chuẩn để có thể lấy đa tạng được.

PV: Có một vài ý kiến cho rằng là bức tranh về hiến tạng từ bệnh nhân chết não ở Việt Nam có vẻ đi ngược so với các nước trên thế giới. Xin ông cho biết ý kiến của mình?

PGS Nguyễn Quang Nghĩa: Ở những nước phương Tây, theo phong tục tập quán, người ta đã quan tâm về hiến tạng chết não từ cách đây 50 năm nên họ đẩy mạnh hiến tặng người cho chết não. Ở bên đó, những người hiến tạng sống rất ít, thường là những trường hợp cùng huyết thống. Tuy nhiên, có một bất cập, là nhiều trường hợp đợi 5-6 năm mới được vào danh sách chờ.

Việt Nam không phải là ngược với xu hướng thế giới mà chúng ta cũng phát triển cùng với xu hướng chung trong ghép tạng của châu Á. Tuy nhiên do những bất cập về nguồn hiến tạng sống, theo ý kiến đánh giá chủ quan của tôi, chắc trong thời gian tới phẫu thuật lấy tạng từ người chết não sẽ phát triển tại Việt Nam

PV: Để có thể là tăng nguồn cung tạm từ người chết não, ông có đề xuất gì với cả các cơ quan chức năng?

PGS Nguyễn Quang Nghĩa: Theo tôi, cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội chứ không chỉ đơn thuần là mỗi ngành y tế. Bởi vì đây là một vấn đề rất rộng của xã hội, cần phải lan tỏa những thông điệp, những hiểu biết cơ bản và làm sao cho người dân hiểu được nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng sau khi chết não.

Ngoài ra, Luật cũng đã có những quy định cụ thể về các trường hợp được chẩn đoán chết não và Bộ Y tế cũng đã ban hành quy trình chẩn đoán chết não chặt chẽ và các tiêu chuẩn. Khi nào có đầy đủ tiêu chuẩn và được Hội đồng chẩn đoán thì mới đưa ra một quyết định trường hợp chết não.

Trong ngành y thì tôi rất muốn làm lan tỏa, hiểu biết khái niệm cơ bản về chết não, về hồi sức chết não, về tiềm năng chết não và lợi ích của việc chết não khi hiến tạng cứu sống nhiều người cho tất cả các nhân viên y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!


Lượt xem: 3

Trả lời