Sẽ ra sao nếu quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Cập nhật 24/11/2023, 09:11:37

Mới đây, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đạo tào Nguyễn Kim Sơn và một số đại biểu Quốc hội cũng đề xuất bổ sung dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Nếu quy định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cần đặt ra những điều kiện gì? Nếu coi dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện có giúp giảm áp lực dạy thêm, học thêm hiện nay?

VOV Giao thông đã đối thoại với PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, nhiều đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng đồng tình với phương án coi việc dạy thêm là một ngành kinh doanh có điều kiện. Quan điểm về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Đây là một trong những hướng tiếp cận tích cực và nó cũng đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, của gia đình, đồng thời nó cũng có giải quyết được bài toán lạm dụng việc dạy thêm học thêm trong nhà trường như thế nào.

Khi đề xuất về việc kiểm soát việc dạy thêm, một mặt nó cũng sẽ giúp cho những gia đình mà có nhu cầu được thỏa mãn các nhu cầu của mình và cũng tạo ra được những giá trị cho xã hội.

Mặt khác thì chúng ta có thể kiểm soát chặt chẽ hơn với đội ngũ giáo viên lạm dụng việc dạy thêm để trục lợi.

PV: Theo ông, nếu chúng ta coi việc dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì chúng ta cần đặt ra những điều kiện như thế nào để có thể quản lý tốt hoạt động này?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Trước hết, chúng ta phải xác định rõ khái niệm về việc học thêm, vì học thêm sẽ có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nếu mà học thêm để có thể bù đắp lại những kiến thức còn đang bị thiếu hụt do quá trình học tập trên nhà trường, một số em không đáp ứng được thì các em cần phải bổ sung thêm kiến thức, thì cái việc đến một cái đơn vị, đến một trung tâm, hoặc là đến với một cá nhân đáp ứng với dịch vụ đó cũng là việc rất bình thường.

Thứ hai là đối với việc học thêm để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như gia tăng hiểu biết để có thể đáp ứng được yêu cầu nào đó của việc thi cử cũng làm nhu cầu rất chính đáng. Cho nên, việc chúng ta mở những cái đơn vị có thể cung cấp dịch vụ ôn luyện, củng cố kiến thức, thì đó là việc rất đáng hoan nghênh và chúng ta sẽ kiểm soát được nội dung chương trình cũng như người dạy ở đó.

Mặt khác, khi chúng ta đã có những đơn vị kinh doanh có điều kiện để tổ chức việc ôn luyện, củng cố kiến thức học tập cho học sinh, thì những người tham gia đó thì phải có đăng ký và một nguyên tắc chắc chắn rằng giáo viên của trường nào thì sẽ không được phép dạy học sinh của trường đó. Đó là điều chắc chắn, bởi vì như vậy sẽ tránh được tất cả những trường hợp giáo viên sẽ tìm cách yêu cầu học sinh của mình phải tham gia lớp học thêm do mình tổ chức.

Các thầy cô có thể đi dạy thêm, nhưng phải đăng ký đối với đơn vị, một trung tâm, hoặc là với một tổ chức nào đó và tổ chức đó sẽ phải cam kết rằng sẽ không có học sinh của trường mà thầy cô dạy để tham gia vào việc học, thì tôi nghĩ là cái việc đó sẽ kiểm soát được. Nó sẽ hạn chế tối đa.

Một điều khác mà chúng ta cũng thấy để quản lý được việc này tốt, chúng ta phải xác định rất rõ là thời gian mà giáo viên được tham gia hoạt động này như thế nào? Ví dụ như, đã là viên chức thì trong giờ làm việc, hay trong giờ hành chính thì các thầy cô sẽ không được phép tham gia các hoạt động dạy thêm, chỉ có thể được phép làm việc ngoài giờ, tức là ngoài giờ lên lớp.

Như vậy nếu người ta có nhu cầu, người ta tham gia đăng ký, thì nó cũng sẽ giúp cho giáo viên tập trung vào công việc chuyên môn của mình, và việc thầy cô sẽ sắp xếp thời gian, dành thời gian ngoài giờ để tham gia nâng cao chuyên môn, cũng như thu nhập của mình, đấy là điều tích cực.

PV: Nếu chúng ta đặt việc quản lý dạy thêm như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì theo ông nó sẽ giúp giảm áp lực cho việc dạy thêm học thêm hiện nay hay không?

PGS.TS Phạm Mạnh Hà: Việc đầu tiên, kinh doanh có điều kiện thì nó sẽ có nhiều mặt tích cực. Thứ nhất, sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội, bởi vì không phải bất kỳ học sinh nào cũng thông qua giáo dục trong nhà trường mà các em có thể đáp ứng được yêu cầu hoặc là các em có nhu cầu phát triển cao hơn thì như vậy là nó đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh việc đi học thêm mà cứ trốn chui trốn lủi.

Thứ hai là giáo viên cũng đường đường chính chính được phát huy năng lực chuyên môn mình để tạo ra thu nhập một cách chính đáng.

Thứ ba, việc chúng ta kiểm soát những nội dung chương trình của việc học trên lớp nó cũng sẽ hạn chế được việc giáo viên giảm bớt giờ để khuyến khích hoặc yêu cầu học sinh đi học thêm, bởi vì bây giờ cô giáo trong trường sẽ không được phép dạy học sinh của lớp mình hoặc của trường mình nữa.

Như vậy thì họ cũng chẳng có lý do gì để họ bớt giờ để ép học sinh phải tham gia thêm cả. Khi mà giáo viên không được bớt xén giờ hoặc là ra những bài thi, bài tập mà liên quan đến môn của mình dạy, thì chắc chắn việc này sẽ giảm tải được sự căng thẳng của học sinh khi tham gia học tập trong nhà trường, đồng thời học sinh lại có thêm những cơ hội để các em có thể bổ sung thêm kiến thức ở ngoài giờ lên lớp.

Tôi nghĩ rằng, việc này là chúng ta sẽ làm được điều đó, chứ còn như hiện nay, chúng ta cũng có kiểm soát, nhưng không có một chế tài, thì nó đang gây ra những áp lực rất lớn. Tôi nghĩ rằng, khi mà chúng ta thay đổi thì chắc chắn việc học thêm dạy thêm sẽ được đưa vào nề nếp hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!


Lượt xem: 4

Trả lời