Phá rừng, cướp gỗ: Vì đâu lâm tặc có thể lộng hành?

Cập nhật 09/2/2017, 14:02:46

Thời gian gần đây, khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nóng lên tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Xã Hà Tây, huyện Chư Păh tiếp giáp với huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum là một trong số những xã còn nhiều rừng tự nhiên nhất tỉnh Gia Lai. Tại đây, vừa xảy ra vụ lâm tặc táo tợn cướp gỗ từ lực lượng bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Chư Păh. Sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 1/2, khoảng 20 đối tượng mang theo nhiều hung khí từ phía huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum tràn sang tiểu khu 174, cướp số gỗ khai thác trái phép mà cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đang canh giữ. Trước sự hung hãn, táo tợn của nhóm lâm tặc, 8 cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng đành bất lực, để mất 45 lóng gỗ.

vi dau lam tac co the long hanh o gia lai va kon tum hinh 1
Lâm tặc đốn hạ cổ thụ và xẻ thành từng hộp.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cho biết: “Đơn vị chúng tôi được trang bị công cụ hỗ trợ là súng đạn cao su, bình xịt hơi cay và thứ ba là dùi cui điện. Công cụ hỗ trợ vẫn còn thiếu và yếu. Trong khi đó, địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là đường mòn và suối. Các đối tượng vi phạm lại rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng”.

Một điểm yếu nữa của công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện nay là thiếu sự phối hợp. Ông Nguyễn Minh Hiển, Kiểm lâm viên địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Păh cho biết, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum chưa có quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như truy quét, bắt giữ lâm tặc vùng giáp ranh. Do đó, lâm tặc lợi dụng những sơ hở này để lộng hành.

Ông Nguyễn Minh Hiển cho biết: “Khu vực Tiểu khu 174 và 176 là khu vực giáp ranh. Khi phát hiện tang vật, phương tiện không thể đưa về được vì không có đường xe đi. Muốn đưa về được phải nhờ tỉnh Kon Tum và huyện Kon Rẫy.

Chúng tôi đã nhiều lần phát hiện lâm tặc nhưng chúng đi sang huyện Kon Rẫy hoặc thành phố Kon Tum thì chúng tôi đành chịu, vì đơn vị chức năng chỉ quản lý, bảo vệ rừng khu vực xã Hà Tây và Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh. Bây giờ muốn ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép cần cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp phải vào cuộc. Và sự phối kết hợp giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai, giữa huyện Kon Rẫy với huyện Chư Păh và Thành phố Kon Tum phải đồng bộ”.

Cũng có ý kiến cho rằng, lâm tặc lộng hành ở vùng giáp ranh của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum còn do sự yếu kém và những nghi vấn tiêu cực của lực lượng chức năng hai địa phương. Theo người dân địa phương, tuyến đường từ tỉnh Kon Tum về xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thường xuyên xuất hiện xe chở gỗ lậu từ khu vực biên giới và vùng giáp ranh hai tỉnh, chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Một người dân làng Kom Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, đã nhiều lần báo cáo chính quyền xã, huyện nhưng xe chở gỗ vẫn ngang nhiên đi trên đường.

 “Xe chở gỗ qua đây thường xuyên, tầm 1-3 giờ sáng. Xe 16 chỗ cũng có, xe ben cũng có. Tôi làm công nhân cao su, tôi đi cạo mủ tầm 1-2 đêm, nhà lại sát đường nên tôi biết. Chở gỗ qua đây đã phá nát hết đường, đêm chạy là rung nhà. Dân họp ý kiến lên xã để công an huyện về giải quyết nhưng chưa thấy gì”.

Cũng tại xã Ia Chía, vào tháng 10 năm ngoái, lực lượng Biên phòng và các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai bắt được 5 xe tải chở gỗ lậu, với khối lượng hơn 76m3, bao gồm các loại gỗ tròn, gỗ xẻ từ nhóm 1 đến nhóm 5. Sau đó, một số đối tượng lâm tặc đã táo tợn tổ chức lực lượng cướp lại xe gỗ, mặc dù lực lượng Biên phòng đã nổ súng cảnh cáo. Tuy ngay sau đó, lực lượng chức năng đã bắt lại được toàn bộ 5 xe gỗ, nhưng cho đến nay, đã 5 tháng khởi tố, vẫn chưa bắt được đối tượng để khởi tố bị can.

Vùng rừng giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum gần đây liên tiếp phát hiện các vụ việc phá rừng, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép. Đó là dấu hiệu tích cực cho thấy sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng hai địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, hạn chế, bất cập và yếu kém, ở đây vẫn còn nghi vấn về tiêu cực, khiến lâm tặc lộng hành; không chỉ khai thác trái phép mà còn ngang nhiên cướp gỗ trong tay lực lượng bảo vệ rừng./.

Theo VOV


Lượt xem: 63

Trả lời