Nông dân Ninh Thuận tìm mọi cách để sản xuất trong mùa hạn

Cập nhật 14/6/2015, 21:06:25

Trong mùa nắng hạn, nhiều nông dân Ninh Thuận đã chủ động tìm mọi cách để có thể duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình.

Từ vụ Hè Thu 2014 đến nay, nắng hạn kéo dài đã làm cho nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thiếu nước sản xuất trầm trọng. Không thể ngồi nhìn đồng ruộng bỏ hoang, nhiều nông dân ở vùng hạn đã chủ động tìm mọi cách để có thể duy trì sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. 

Người dân tự đào ao để lấy nước tưới nho xã Vĩnh Hải

Hồ Bàu Tró là nơi cung cấp nước tưới chủ yếu cho vùng trồng nho xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Thế nhưng, từ trước Tết, hồ thủy lợi này đã khô rang khô rốc không còn một giọt nước. Để có nước tưới cho diện tích nho đang canh tác, người dân địa phương phải thuê xe đào hàng chục cái ao nhỏ bên trong lòng hồ. Không thể khoanh tay ngồi nhìn vườn nho 7 sào có nguy cơ chết cháy, cách đây 3 tháng, anh Vũ Văn Trung ở thôn Thái An đã bỏ ra hơn ba chục triệu đồng để đào ao, đầu tư đường ống dẫn nước về vườn. 

Anh Trung nói: “Nông dân ở đây bỏ ra một số tiền rất lớn. Nhà nào cũng đào ao. Nhà nào cũng, bỏ ra 30-40 triệu, thậm chí có nhà bỏ ra đến 60 triệu để đào ao. Rất tốn kém. Riêng nhà tôi đã đào ao 2 lần để tưới phun tiết kiệm cho cây nho sống". 

Ngược về phía Nam tỉnh Ninh Thuận dọc Quốc lộ 1A, mặc dù giữa thời kỳ hạn hán khốc liệt vẫn có những cánh đồng tươi tốt. Đó là những nơi người dân địa phương tìm được nguồn nước ngầm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khắc phục khó khăn, duy trì canh tác.

Tại cánh đồng Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, hàng chục héc ta đất không thể trồng lúa do thiếu nước đã được chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày ít tốn nước như: bắp, đậu và cỏ chăn nuôi gia súc có sừng. Không còn nước thủy lợi, người dân đã chủ động bỏ tiền khoan giếng lấy nước tưới cho cây trồng.

Ông Não Văn Mạnh đang bón phân cho vườn bắp 3 sào của gia đình cho biết: “Mấy năm trước có nước, tôi làm được 3 vụ lúa. Còn năm nay nắng hạn, làm lúa chạy toàn nước giếng khoan. Do vậy, gia đình mới chuyển qua trồng cây bắp để sống qua ngày. Nếu không có giếng khoan, ruộng gia đình cũng bỏ, không làm gì được”. 

Máy đang bơm nước từ giêng khoan vào rẫy

Cũng như ông Mạnh, anh Nguyễn Văn Quynh ở xã Phước Nam đã đầu tư gần 3 triệu đồng khoan một cái giếng sâu hơn 10m. Thế nên đất ruộng của anh thay vì bỏ hoang đã có thể sản xuất trong mùa hạn này. Xác định nếu trồng lúa, giếng nước khoan sẽ không đủ cấp, nên anh quyết định chuyển trồng lúa sang trồng đậu xanh để tiết kiệm nước. Nhờ đó, mảnh ruộng 2 sào của gia đình canh tác liên tiếp được 2 vụ, trừ chi phí cho lãi hơn 6 triệu đồng. Ngoài ra, cỏ mọc trong ruộng và thân cây đậu xanh sau thu hoạch còn được dùng làm thức ăn dự trữ để nuôi 50 con cừu trưởng thành. Cũng nhờ đó mà gia đình anh không sợ bị thiếu đói trong thời điểm hạn hán đang diễn ra khốc liệt.

Anh Nguyễn Văn Quynh nói: “Nắng hạn tôi không làm được lúa. Tôi chuyển qua làm đậu hoặc trồng bắp. Chủ động thay đổi cây trồng mới có thu nhập cho gia đình. Nếu gia đình tôi chờ mưa về để làm lúa, thì hôm nay không có gì để ăn. 

Anh Nguyễn Văn Quynh ở xã Phước Nam trên mảnh vườn của mình

Ngay từ đầu mùa khô hạn, chính quyền địa phương đã khuyến khích người dân chủ động tìm mọi biện pháp để khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra. Những hộ nông dân thực hiện tốt giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có cuộc sống ổn định.

Ông Thiên Sinh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân chủ động nguồn nước để phục vụ cho sản xuất. Đặc biệt là một số diện tích có nguồn nước ngầm, từ diện tích trồng lúa chuyển qua diện tích trồng cây ngắn ngày khác. Từ đó mang lại hiệu quả, thu nhập kinh tế ổn định cho một số hộ gia đình trong thời gian nắng hạn như hiện nay. 

 
Một số hộ gia đình trong thời gian nắng hạn vẫn có thể thu nhập ổn định nhờ chủ động đối phó với nắng hạn

Theo dự báo, từ nay đến giữa tháng 9, do không có mưa trên diện rộng, hạn hán sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt. Do vậy, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi người dân trong tỉnh tập trung nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả.

Trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân cần chủ động khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất để ổn định cuộc sống gia đình./. 

Theo VOV


Lượt xem: 41

Trả lời