Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú

Cập nhật 15/7/2021, 13:07:05

Theo các bác sĩ, cần có quy định riêng cho nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú, trong đó bệnh nhân phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người luôn phải sống trong tâm trạng lo âu, nhất là những người đã và đang mắc một số bệnh nền. Trong đó, những bệnh nhân suy thận mãn tính giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ, có nhiều nỗi lo hơn bao giờ hết. Nhất là khi hiện nay chưa có quy định cũng như những hỗ trợ cụ thể cho việc xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên cho các bệnh nhân này.

Khó khăn khi sự sống hàng ngày phải duy trì bằng thuốc và sự hỗ trợ của máy móc, song những bệnh nhân ở xóm chạy thận lại tiếp tục phải đối diện với nỗi lo do ảnh hưởng của dịch bệnh khi đây là những bệnh nhân ngoại trú không thuộc nhóm đối tượng được BHYT chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19. Cùng với đó, hiện nay, việc xét nghiệm cũng chưa được thực hiện thường xuyên tại một số bệnh viện.

“Từ đầu đợt dịch thứ tư này, tôi được xét nghiệm 2 lần”, bà Nguyễn Thị Sự ở Bắc Giang cho hay.

Bà Đoàn Thị Lực chia sẻ: “Nếu được xét nghiệm 1 tuần 1 lần thì chúng tôi sẽ đỡ lo hơn nhưng nếu phải chịu chi phí xét nghiệm thì bệnh nhân chạy thận như chúng tôi rất khó khăn”.

Nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 của nhóm bệnh nhân chạy thận nhân tạo ngoại trú - Ảnh 1.

Những bệnh nhân chạy thận là nhóm bệnh nhân ngoại trú gặp nhiều khó khăn, đồng thời cũng sẽ rất khó khăn cho cả bệnh viện nếu không may trong số họ có bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nhưng hiện nay, không phải bệnh viện nào có bệnh nhân chạy thận cũng duy trì được việc xét nghiệm SARS-CoV-2 một tuần/lần như Bệnh viện Bạch Mai.

Theo các bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Maii, cần có quy định riêng cho nhóm bệnh nhân này, trong đó, việc quan trọng là bệnh nhân phải được xét nghiệm SARS-CoV-2 thường xuyên.

TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Lọc máu Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Khi có dịch, bệnh nhân chạy thận là nhóm bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, đây là nhóm bệnh nhân có bệnh nền, có rất nhiều bệnh nặng kèm theo. Bệnh nhân phải lọc máu theo đúng chu kỳ 1 tuần 3 buổi, sau đó đi về, chính vì vậy nhóm bệnh nhân này không quản lý theo 4 tại chỗ được. Tiếp đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo ca, nhân viên y tế làm theo kíp, nếu có vấn đề gì thì cả ca, cả kíp nằm trong nhóm nguy cơ”.

Nhiễm COVID-19 là thách thức với tất cả mọi người nhưng đối với người mắc bệnh thận, đặc biệt ở bệnh nhân lọc máu, vấn đề này đáng lo ngại hơn vì các bệnh nhân vẫn cần phải đến trung tâm lọc máu để lọc máu thường xuyên. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho tất cả những người khác tiếp xúc. Vì vậy, an toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo là an toàn cho nhân viên y tế và những người xung quanh.

Theo VTV


Lượt xem: 13

Trả lời