Người dân “nín thở” đi qua 45 cây cầu chờ sập

Cập nhật 31/7/2017, 08:07:55

Tỉnh Long An có 334 cây cầu, trong đó có 45 cây cầu đã sử dụng hơn 40 năm, xuống cấp nghiêm trọng.

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, tỉnh Long An hiện có đến 334 cây cầu. Trong số đó, có 45 cây cầu (gồm cả 2 cây cầu treo) khung sàn bằng sắt, mặt gỗ, đã sử dụng hơn 40 năm, xuống cấp nghiêm trọng. Việc lưu thông qua các cây cầu này là nỗi lo lắng, ám ảnh của người dân trong vùng. Tỉnh Long An cũng đã đưa các cây cầu này vào danh sách cầu cần làm mới nhưng trước mắt, chưa thể thực hiện nhay được vì thiếu vốn.

nguoi dan nin tho di qua 45 cay cau cho sap hinh 1
Cầu Kênh N2 trên đường tỉnh 831 (qua huyện Vĩnh Hưng) vẫn là cầu dàn sắt.

 Mới đây, một người mẹ trẻ chở theo đứa con 4 tuổi chạy xe máy qua cầu Chồi Mồi ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đã bị ngã xe khiến cháu bé rơi xuống kênh và tử vong. Nguyên nhân chính là do cây cầu này có mặt sàn gỗ xuống cấp, trơn trượt, rất khó điều khiển xe máy qua lại khi trời mưa.

Trước đó, vào tháng 5/2017, cầu Tấn Đức nằm trên tỉnh lộ 833B, thuộc địa bàn xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ cũng bất ngờ đổ sập khi một chiếc xe tải chở lúa đi ngang qua… Chuyện nhiều người đi trên những cây cầu khung sắt, sàn gỗ trơn trượt bị ngã hay xe tải chở lúa đi qua khiến cầu hư hỏng, thậm chí là sập không phải là hiếm ở những khu vực vẫn còn tồn tại những cây cầu cũ kỹ, xuống cấp.

“Mấy cây cầu sắt này nhiều người đi bị té lắm, chính tôi cũng bị té mấy lần. Hôm đó té tay chân bầm dập, mặt mày dập và gãy tay phải nghỉ làm đến mấy tháng. Người nam đi xe cũng té huống gì nữ hay học sinh, nhiều người đi cầu sắt nguy hiểm trơn trượt bị té hoài. Nhiều người té lắm, rất nguy hiểm”, bà Võ Thị Bé, một người dân huyện Tân Trụ lo lắng nói.

Những cây cầu như thế chủ yếu nằm ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười. Trên đoạn đường chưa đầy 40km của Tỉnh lộ 831 từ thị xã Kiến Tường qua huyện Vĩnh Hưng, đến huyện Tân Hưng) và đường 831C (nối từ đường tỉnh 831 vào xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) mà có đến 11 cây cầu khung sắt, sàn gỗ xuống cấp nghiêm trọng, không đồng bộ với mặt đường nhựa làm mới.

Đây là tuyến đường huyết mạch khu vực biên giới và là đường vận chuyển chính của vựa lúa Đồng Tháp Mười nên chính quyền địa phương và nhiều bà con liên tục kiến nghị thay cầu sắt cũ bằng cầu bê tông, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

nguoi dan nin tho di qua 45 cay cau cho sap hinh 2
Mặt cầu Cái Môn nhỏ trên đường 831 (huyện Tân Hưng) . 

Ở các huyện Tân Trụ, Đức Huệ, mỗi địa phương cũng có đến 6 cây cầu khung sắt cũ, sàn gỗ nguy hiểm, không đảm bảo an toàn giao thông. Những huyện, thị còn lại trong tỉnh Long An cũng còn từ 3 đến 4 cây cầu nằm trong tình trạng tương tự. Do lưu lượng, cường độ, tải trọng phương tiện lưu thông tăng mạnh nên những cây cầu này có thể sập bất cứ lúc nào dù đã nhiều lần duy tu, sửa chữa.

“Tuy hiện giờ chưa ảnh hưởng đến đi lại vì cầu thì vẫn liền đi vẫn được, nhưng mưa trơn trượt, cầu hơi yếu, người đi bị hơi tròng trành té hoài. Hôm rồi cây cầu dưới Tân Hiệp một cô giáo đi dạy học bị té, cô giáo buồn nhiều quá, đã chia sẻ trên mạng xã hội để chính quyền có sự quan tâm, cầu giờ yếu rồi, bà con rất lo lắng”, ông Trần Văn Năm, một người dân sông gần cầu Long Khốt, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng cho hay.

Hầu hết các cầu sàn sắt, mặt gỗ chỉ chịu tải trọng từ 5 đến 8 tấn, trong khi hầu hết các tuyến đường có loại cầu này đã được nhựa hóa, chịu được tải trọng cao hơn nhiều. Từ đó dẫn đến tình trạng, xe chạy trên đường thì bình thường nhưng đến cầu thì thành quá tải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hưng, ông Nguyễn Văn Thắm cho biết “Những cây cầu trên tuyến đường 831 hiện xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa, nhất là vào vụ mùa thu hoạch, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, hạn chế rất nhiều sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo An ninh Quốc phòng tuyến biên giới.

Địa phương hiện đã nhiều lần kiến nghị về tỉnh xem xét đầu tư thay thế toàn bộ cầu sắt bằng cầu bê tông kiên cố tải trọng 30 tấn để việc lưu thông hàng hoá được xuyên suốt.

“Những cây cầu này có thể bị hư hỏng, bị gãy đổ. Nếu thành cầu có thể bị hư hỏng bị gãy rời khiến người phương tiện bị rơi xuống sông thì đấy là thuộc về an toàn công trình. Cái đầu tiên tôi nghĩ rằng cần xem lại ai đang chịu trách nhiệm quản lý những cây cầu này, chính quyền cũng cần rà soát lại để đảm bảo an toàn cho người dân”, Tiến sỹ Võ Kim Cương – Nhà nghiên cứu đô thị nói.

Theo ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Long An: Để đầu tư xây dựng cầu bê tông thay thế  những cây cầu sắt, gỗ kinh phí trung bình khoảng 25 tỷ đồng/cầu.

Như vậy, chỉ riêng thay thế 11 cây cầu trên hai tuyến đường tỉnh 831 và 831C tại 2 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng tỉnh cần có ít nhất số vốn khoảng 450 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2018 sẽ sử dụng nguồn ngân sách khoảng 60 tỷ đồng của tỉnh để thi công trước hai cầu Long Khốt và Thái Bình Trung đang trong tình trạng nguy cấp. Từ nay đến năm 2020, khả năng thay thế xong 11 cây cầu trên tuyến đường tỉnh 831 và 5 cầu khác trên tuyến đường tỉnh 89 mới có thể thực hiện. :

“Ngoài ra tỉnh đã triển khai khởi công xây dựng mới thay thế một số cây cầu thiết kế thép chỉ tải trọng 8 tấn như cầu Tấn Đức vừa bị sập đợt rồi trên tuyến 833B và cầu Hoa Làn trên tuyến 838B, dự định đưa vào sử dụng vào tháng 9/2017. Đồng thời gia cố cải tạo nâng khả năng khai thác 5 cây cầu nữa trên tuyến dường 837B”, ông Nguyễn Văn Học cho biết.

Để thay thế toàn bộ 45 cây cầu sắt này đối với tỉnh Long An là điều không hề dễ dàng, nhất là về nguồn vốn. Với tiến độ như hiện nay, đến năm 2020, tỉnh chỉ có thể thay thế được hơn 1/3 số cầu nêu trên.

Ngoài việc nỗ lực tranh thủ nguồn vốn tại chỗ, tỉnh Long An đã trình đề án và đề nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ nguồn vốn, thế nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công văn trả lời./.

Theo VOV


Lượt xem: 52

Trả lời