Ngôi nhà chung hạnh phúc của trẻ thiếu may mắn ở Kon Tum

Cập nhật 25/5/2017, 08:05:43

Sinh ra đã ít niềm vui, nhiều nước mắt, 139 trẻ hiện đang sống ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum là 139 số phận thiếu may mắn.

Để xoa dịu đau thương, giúp các cháu lấy lại tự tin vững bước hòa nhập cộng đồng, đội ngũ những người nuôi, dạy trẻ ở đây đã dành cho các cháu một tình cảm đặc biệt tràn đầy yêu thương.
Nhìn nét tươi tắn, phong cách giao tiếp tự tin, không ai nghĩ em Y Tân, dân tộc Sê đăng, học sinh lớp 7, trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, ở thành phố Kon Tum lại là trẻ mồ côi hiện đang sống ở Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum. Sau biến cố lớn của gia đình cách đây 10 năm, từ vùng sâu Đăk Ring, huyện Kon Plông, Y Tân đến với ngôi nhà lớn có nhiều bạn hoàn cảnh giống mình. Em nhớ lại, những ngày đầu chỉ biết khóc thôi. Thế rồi, trong ngôi nhà có tên Ban Mai, Y Tân cảm nhận được hơi ấm gia đình, cảm nhận được tình yêu thương thực sự từ những người cô, người chú không là người thân, không sinh ra mình.
Y Tân chi sẻ: “Từ nhỏ đến lớn ở đây cháu rất vui, được mấy cô chăm sóc, bảo vệ, dạy dỗ. Tết mấy cô thường tổ chức trò chơi. Vào hè, các cô tổ chức đá bóng, vui chơi. Mỗi khi học được cô nhắc nhở, chỉ bảo. Cháu thấy ở đây giống như nhà của cháu”.
Để trẻ thiếu may mắn cảm nhận được không khí, hơi ấm gia đình ngay khi đặt chân tới ngôi nhà chung, Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum chia các cháu thành nhiều nhóm, tổ chức cho các cháu học tập, vui chơi và sinh hoạt như một gia đình.
25 năm gắn bó với việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, chị Vũ Thị Tâm rưng rưng nước mắt khi nhắc đến những đứa con của mình. Chị kể, có những cháu người dân tộc thiểu số lúc mới đến trung tâm chưa quen với việc nằm ngủ trên giường. Giúp cháu chiến thắng sợ hãi, chị mất nhiều đêm ngồi cạnh an ủi, động viên. Rồi có không ít cháu ngỗ nghịch bỏ nhà đi bụi khiến bao người tổn hao công sức đưa cháu trở lại đường sáng.
Nói về tình cảm của mình với những người con trong ngôi nhà lớn, chị Vũ Thị Tâm, cho biết: “Tôi đem hết khả năng chăm sóc, dạy dỗ các cháu cũng như con tôi. Tôi cũng là người cô, người mẹ thứ hai chăm sóc các cháu ăn, ở rồi đến học tập, giao tiếp. Tôi gần gũi ở với các cháu đây nhiều hơn với gia đình tôi. Tôi chưa bao giờ thấy ngại khó, ngại khổ mà nản chí. Khi các cháu học về ngoan, phát biểu, hoặc là có tiến bộ gì trên trường về khoe thì tôi và các cháu đều vui cả. Các cháu khuyết tật bên kia khi các cháu điều trị vật lý trị liệu các cháu chập chững từng bước đi tụi tôi rất là phấn khởi, hạnh phúc”
Trong 139 trẻ hiện được nuôi dạy tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum, có 71 cháu đang theo học từ lớp 1 đến lớp 12, có 43 cháu theo học tại lớp chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Ngoài kiến thức các cháu tiếp thu từ môi trường sư phạm, Trung tâm còn tổ chức, hướng dẫn các cháu kiến thức về sản xuất, chăn nuôi và ngành nghề thủ công. Với quyết tâm giúp các cháu có đủ tự tin hòa nhập trở lại cộng đồng khi đến tuổi trưởng thành, Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống cho các cháu.
Ông Lâm Quốc Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Ngoài vấn đề học tập chính khóa, Trung tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa dạy về kỹ năng sống. Tổ chức các buổi giao lưu, dã ngoại. Ngoài ra chúng tôi cũng phối hợp với các Trung tâm của các tỉnh bạn hàng năm vào các dịp hè chúng tôi tổ chức cho các cháu đi giao lưu với các cháu ở các tỉnh khác nhằm có sự chia sẻ, gắn kết. Cổ vũ động viên cho các cháu tiếp xúc thêm ngoài cộng đồng phát triển cả về tinh thần và thể chất để các cháu tự tin trong cuộc sống, vững bước trong tương lai”.
Là ngôi nhà chung hạnh phúc của trẻ thiếu may mắn, đội ngũ cán bộ̣, nhân viên của Trung tâm Bảo trợ và Công tác cộng đồng tỉnh Kon Tum luôn luôn tận tình, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ. Suốt 25 năm qua, với hơn 27.000 bữa ăn được phục vụ tại đây, bộ phận nhà bếp chưa một lần để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Hàng trăm trẻ mồ côi, khuyết tật đến tuổi trưởng thành đã hòa nhập trở lại cộng đồng, tự xây dựng được hạnh phúc riêng… Còn với người làm công tác xã hội ở đây, bên cạnh những bằng khen, giấy khen còn có phần thưởng không gì so sánh được, đó là những lời gọi cha, gọi mẹ từ những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật giờ đã tìm thấy hơi ấm gia đình để được yêu thương và có chỗ trở về khi đã trưởng thành./.
Theo VOV

Lượt xem: 24

Trả lời