Lũ quét kinh hoàng Lào Cai: khẩn trương khắc phục các thiệt hại

Cập nhật 09/8/2016, 13:08:29

Trận mưa lũ kinh hoàng xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai vừa qua hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề.

Sau khi thiên tai xảy ra, những ngày qua cả hệ thống chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lào Cai đều tập trung hướng về vùng khó. Dọc địa bàn các xã, phường trọng điểm bị lũ quét tràn qua, gồm các huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai, đâu đâu cũng nghe tiếng máy ủi, máy xúc hoạt động không ngừng nghỉ. Hàng nghìn người thuộc các lực lượng địa phương hối hả tham gia khắc phục hư hỏng hạ tầng cơ sở, giúp đỡ người dân ổn định lại đời sống sản xuất.

lu quet kinh hoang lao cai: khan truong khac phuc cac thiet hai hinh 0
Cánh đồng Quang Kim – Bát Xát thành bình địa sau lũ quét 1.

Mọi thứ đang hồi phục nhanh chóng, trừ vết thương lòng đối với những gia đình có người thân bị thiệt hại phải thời gian dài nữa mới nguôi ngoai.

10 người chết và mất tích sau chỉ một đợt mưa lũ chớp nhoáng trong vòng đôi ba tiếng đồng hồ là những mất mát quá lớn mà Lào Cai đang phải gánh chịu. Và đáng lo ngại, toàn tỉnh hiện còn 1.300 hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, nếu mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp thì tai họa không biết sẽ thế nào.

Chỉ đạo tại buổi làm việc về công tác khắc phục sau mưa lũ tại Lào Cai vào ngày 5/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao công tác ứng phó nhanh nhạy, kịp thời của Lào Cai. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Lào Cai cần bố trí sắp xếp dân cư ở những vùng nguy hiểm ra các khu, điểm tái định cư an toàn để tránh thiệt hại, đặc biệt là về người khi mùa mưa lũ về.

lu quet kinh hoang lao cai: khan truong khac phuc cac thiet hai hinh 1
Cánh đồng Quang Kim – Bát Xát thành bình địa sau lũ quét 

Phó Thủ tướng nói: “Lào Cai phải có quy hoạch bố trí lại dân cư và có kế hoạch để di chuyển, phải hết sức nghiêm túc trong việc tính toán, không được để bố trí công trình vào những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở cao. Đây là một công việc mà chính phủ nhắc rất nhiều lần đối với các địa phương”.

Khách quan mà nói, công tác di dời dân ra khỏi vùng thiên tai tại Lào Cai còn nhiều khó khăn. Để tránh hậu quả đáng tiếc như vừa qua, đây phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, cần có kế hoạch triển khai nghiêm túc theo từng năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần cân đối ngân sách, ưu tiên cho công tác di dời dứt điểm; đặc biệt cần làm tốt, làm khéo công tác dân vận mới có thể thuyết phục người dân chấp hành tốt việc di chuyển ra nơi an toàn, tránh làm không đến nơi đến chốn và rồi lại đổ lỗi cho nhận thức, ý thức của người dân còn chủ quan. Ngoài ra, công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ cũng cần được quan tâm đầu tư.

lu quet kinh hoang lao cai: khan truong khac phuc cac thiet hai hinh 2
Cánh đồng Quang Kim – Bát Xát thành bình địa sau lũ quét .

Bởi theo ông Nguyễn Chính Cương, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Có một nghịch lý đang diễn ra tại Lào Cai là những năm gần đây, trong khi biến đổi khí hậu dẫn đến sự gia tăng về tần suất và mức độ các loại hình thiên tai cực đoan, hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai trên địa bàn lại ngày một xuống cấp.

Toàn tỉnh hiện có trên 500 điểm có nguy cơ sạt lở và hàng chục điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, nhưng mới chỉ gần 1/3 số này được cắm biển cảnh báo. Mặt khác, gần 100 hồ chứa, đập thủy lợi ở tỉnh đã xuống cấp nghiêm trọng; 30 công trình thủy điện lớn nhỏ thiếu trạm quan trắc thủy văn và thiết bị cảnh báo đồng bộ cho người dân vùng hạ du; thiếu các trạm đo mưa tự động vùng thượng lưu sông ngòi dẫn đến việc cảnh báo mưa lớn đầu nguồn là yếu tố gây ra lũ quét bị hạn chế…

Vẫn theo ông Cương, nhu cầu của địa phương đối với các công trình này hết sức bức thiết, đặc biệt, cần quy hoạch dài hạn để xây dựng những công trình “trăm tuổi” mới đủ sức ứng phó, bởi thiên tai kỷ lục trăm năm trước đã từng xảy ra, thì chắc chắn luôn có khả năng lặp lại bất cứ lúc nào.

Ông Cương nói: Công trình thủy lợi thường chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ, bây giờ toàn tỉnh có khoảng 40 hồ và 40 đập có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Còn những yếu tố gây ra sạt lở bờ, sông suối đến giờ hầu hết cũng chưa nghiên cứu kỹ, sau này sẽ cần phải tiếp tục có những kiểm tra cụ thể để có phương án xử lý, ví dụ như xây kè để bảo vệ.

Có thể thấy, trận mưa lũ lịch sử vừa qua là bài học thấm thía đối với tỉnh Lào Cai trong công tác phòng chống thiên tai. Mặc dù, trong các Công điện chỉ đạo phòng chống thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu: “Nếu để xảy ra thiệt hại tới người, nhà cửa, tài sản của nhà nước và nhân dân người đứng đầu các cấp chính quyền sẽ phải chịu trách nhiệm”. Tuy nhiên, điều cần hơn hết là trách nhiệm này phải đẩy sớm lên một bước, tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”./.

Theo VOV

Lượt xem: 45

Trả lời