Loay hoay lớp học trực tuyến đa độ tuổi

Cập nhật 07/11/2023, 08:11:29

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, các tỉnh Tây Bắc vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong những khó khăn đó thì tình trạng thiếu giáo viên đang ngày càng trầm trọng hơn.

LTS: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Mục tiêu là vậy, nhưng thực tế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, các tỉnh Tây Bắc vẫn đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong những khó khăn đó thì tình trạng thiếu giáo viên đang ngày càng trầm trọng hơn.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay, các địa phương ở Tây Bắc đang phải khắc phục thế nào và làm sao để gỡ nút thắt này. Phóng viên VOV thường trú khu vực Tây Bắc có loạt bài với nhan đề “Vùng cao Tây Bắc thiếu giáo viên: Đâu là giải pháp?”. Bài 1: “Loay hoay lớp học trực tuyến đa độ tuổi”.

Mỗi tuần 2 ngày, cô Nông Thị Ngoan, giáo viên văn ở Nậm Pung lại lóc cóc đi xe máy sang xã giáp ranh để chi viện kiến thức cho học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Sèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Sở dĩ như vậy, vì từ đầu năm học này, giáo viên dạy văn cốt cán cấp THCS của Bản Sèo chuyển công tác. Cô Ngoan nhận nhiệm vụ giúp đỡ trường bạn 7 tiết, còn lại vẫn phải cân đối công việc tại trường chính, ngoài chuyên môn còn làm công tác chủ nhiệm.

“Ở trên trường Nậm Pung thực ra cũng đang rất căng bởi vì ai cũng kiêm nhiệm rồi nhưng mình vẫn phải cố gắng. Ngoài khó khăn trong việc đi lại còn liên quan đến sắp xếp thời khóa biểu, ví dụ như lớp văn này phải dạy luôn 4 tiết trong ngày thứ 2, thứ 3 và dạy buổi chiều học sinh cũng rất mệt mỏi”- cô Ngoan nói.

Còn tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, giáo viên tiếng Anh của Trường Tiểu học cũng đang phải tăng cường sang giúp đỡ Trường THCS 6 tiết mỗi tuần. Theo cô Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lùng Vai, để giáo viên có thời gian hỗ trợ trường bạn thì bản thân nhà trường phải ghép lớp, kê bàn ghế học tại sân của khu nhà bán trú mới đủ chỗ ngồi.

Cô Bình cho biết: “Giáo viên cũng rất vất vả vì phải tiếp cận chương trình, phương pháp dạy học từ tiểu học sang trung học cơ sở. Còn về phía nhà trường, khi dồn lớp lại, lượng học sinh rất đông, tương tác giữa giáo viên và học sinh cũng giảm đi rất nhiều”.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán, huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, năm học này có 30 lớp với 993 học sinh của 2 cấp học. Với 40 giáo viên đứng lớp thì nhà trường còn thiếu 13 người so với định mức, trong đó cấp tiểu học thiếu 4, cấp trung học cơ sở thiếu 9.

Theo cô Hoàng Thị Thúy Vân, Hiệu trưởng nhà trường, giải pháp để khắc phục tạm thời cùng lúc việc dạy nhiều lớp mà vẫn không bị quá số tiết qui định chỉ có cách ứng dụng công nghệ. Đó là giáo viên vừa đứng lớp chính, vừa giảng bài trực tuyến cho 2 lớp bên cạnh thông qua các thiết bị công nghệ.

“Ví dụ như là môn tiếng Anh, thì dạy kết nối, các cô có thể đứng ở bên này dạy kết nối cho hai lớp kia. Dạy kết nối thì giáo viên sẽ soạn giáo án điện tử, bên lớp học chính của cô có đầy đủ phương tiện công nghệ thông tin và 2 lớp kết nối kia cũng có thiết bị”- cô Thúy Vân nói.

Với cách dạy như vậy, mỗi lớp học bên cạnh lớp chính sẽ phải bố trí 1 giáo viên hoặc nhân viên quản lí các học sinh và hướng dẫn các em theo dõi bài học. Tuy rườm rà nhưng quả thực chưa có giải pháp tình thế nào hiệu quả hơn.

Đó là tình trạng ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, còn tại tỉnh nghèo Lai Châu thì sao, cô Đinh Thị Tám, hiệu trưởng trường mầm non Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Nhà trường đã sắp xếp, bố trí và ghép các cháu lại để tổ chức dạy học lớp ghép để đảm bảo đủ giáo viên trên lớp giảng dạy các cháu. Khó khăn là các lớp ghép nhiều, nên các cô phải dạy nhiều độ tuổi, nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục các cháu”.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái thừa nhận: Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái đã phải ký chương trình hợp tác với Sở Giáo dục và đào tạo Nam Định để dạy học tiếng Anh trực tuyến cho cấp tiểu học năm học này và tới đây tiếp tục phối hợp với thành phố Hà Nội để hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh trung học cơ sở.

Ông Tuấn cho biết thêm: “Các phòng giáo dục, các nhà trường sẽ căn cứ vào nhu cầu và thực tế thì sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể phân công giáo viên, rồi tìm hiểu về đối tượng học sinh của Yên Bái để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp và đạt kết quả”.

Ở Lào Cai, hàng nghìn tiết dạy chi viện cho trường bạn mỗi năm là kết quả của phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” – một sáng kiến của Công đoàn ngành giáo dục địa phương phát động rộng rãi từ năm 2006. Trong điều kiện thiếu giáo viên giải pháp này vô cùng hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng tối ưu. Theo ông Trần Quang Vinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, toàn huyện đang thiếu 135 giáo viên theo chỉ tiêu biên chế, về lâu dài vẫn phải tuyển dụng vì đối với những địa bàn vùng cao chỉ những đơn vị ở gần mới giúp được nhau, trong khi hiện nay tất cả đều đang khó: “Đối với giáo viên trường vùng thấp đi giúp đỡ trường vùng cao thì chế độ của các thầy cô sẽ không được đảm bảo. Vì khi lên vùng đặc biệt khó khăn, nếu như theo diện biệt phái hoặc công tác hẳn ở đó thì các thầy cô sẽ được hưởng chế độ chính sách, nhưng do là “trường giúp trường” thôi nên sẽ không được hưởng”.

– Năm học này, toàn tỉnh Lào Cai đang thiếu hơn 1.400 biên chế cán bộ, giáo viên.

– Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 13.000 người; trong đó có hơn 11.000 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên hiện có so với định mức mới chỉ đạt 84%, tức là thiếu khoảng 2.000 giáo viên.

– Năm học này, Lai Châu thiếu gần 1.000 giáo viên, trong đó có 300 giáo viên bộ môn Tin học và Tiếng Anh theo chỉ tiêu biên chế giao của tỉnh.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức nêu rõ: “thiếu nhiều giáo viên, nhân viên nên giáo viên phải làm vượt định mức nhiều, kiêm nhiệm nhiều việc khác nên bị áp lực, hiệu quả công tác không cao”.

Tham luận tại Hội nghị này, bà Lưu Thị Hiên, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh thêm những tác động của việc thiếu giáo viên: “Một số môn học mới giáo viên phải dạy gần môn, chéo môn khi chưa được đào tạo chuyên môn sâu cũng khó để đảm bảo chất lượng như mong muốn. Học sinh các cấp học bậc học một số trường học chưa được học đầy đủ các môn ngoại ngữ, tin học, các môn chuyên biệt, các môn tự chọn do thiếu giáo viên”.


Lượt xem: 3

Trả lời