Khó sắp xếp giáo viên dạy chương trình giáo dục địa phương

Cập nhật 10/5/2023, 13:05:25

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, như một môn học độc lập, nhưng lại chưa có giáo viên được đào tạo để dạy nội dung này một cách độc lập, các nhà trường rất vất vả sắp xếp giáo viên dạy có chuyên môn phù hợp để dạy từng chủ đề.

Tham luận tại Hội thảo khoa học Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội thực trạng và giải pháp diễn ra tại ĐH Thủ đô Hà Nội sáng 9/5, Ths Trần Đăng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD-ĐT) Hà Nội cho biết, giống như Chương trình GDPT, việc dạy học nội dung địa Phương Hà Nội hiện tại được thực hiện song song cùng 1 lúc 2 Chương trình ở lớp 8 và lớp 9 cấp THCS; lớp 11, 12 cấp THPT nội dung giáo dục địa phương Hà Nội được bố trí dạy tích hợp gắn với Chương trình từng môn học và do giáo viên môn học đó thực hiện.

Ở các khối lớp còn lại của cấp THCS, THPT và cấp tiểu học thực hiện dạy học nội dung địa phương theo Chương trình mới (2018) được quy định bắt buộc trong Chương trình. Ở cấp tiểu học được dạy tích hợp với Hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, có tài liệu riêng, được quy định dạy 35 tiết/1 khối lớp/1 năm học. Việc bố trí giáo viên dạy nội dung này đảm bảo phù hợp về chuyên môn và tình hình thực tiễn của nhà trường.

“Các nội dung địa phương Hà Nội khi đưa vào giảng dạy đều đảm bảo các nguyên tắc chính xác, khoa học; đảm bảo tính vừa sức, không làm quá tải, nặng nề hơn việc học tập của học sinh, không làm ảnh hưởng đến chương trình học chính khóa; đảm bảo sự hài hòa trong việc dạy nội dung địa phương với nội dung Chương trình; đảm bảo tính tương đồng giữa nội dung địa phương với nội dung Chương trình môn học; nội dung Chương trình phải được dạy trước nội dung địa phương, tạo thuận lợi cho học sinh nắm bắt nội dung địa phương, ngược lại nội dung địa phương sẽ bổ sung, củng cố làm sinh động thêm cho Chương trình môn học.

Việc kiểm tra đánh giá những nội dung địa phương cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Hiện nay hầu hết các quận, huyện đã biên soạn các tài liệu lịch sử, địa lí địa phương và đưa vào tuyên truyền, giảng dạy dưới nhiều hình thức sáng tạo như bố trí dạy vào các tiết dự phòng hoặc phần mở của phân phối chương trình, tổ chức dạy tích hợp với lịch sử, địa lí của Chương trình môn học, hoặc các môn học có nội dung địa phương. Ngoài ra còn được tuyên truyền trong các hoạt động tham quan, ngoại khóa, dạy học tại thực địa. Đặc biệt có những trường còn tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa của địa phương, tổ chức diễn xướng, diễn kịch.…”, Ths Trần Đăng Nghĩa cho biết.

Cũng theo Ths Trần Đăng Nghĩa, những cố gắng đưa lịch sử truyền thống địa phương và giảng dạy, tuyên truyền ở các nhà trường của ngành giáo dục không những đã góp phần tạo được hứng thú học tập cho học sinh, mà còn giúp cho các em nhận thấy được giá trị  lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương từ đó bồi dưỡng cho các em tình cảm tự hào, yêu quý và biết trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa của Thủ đô và  đất nước, đồng thời cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh cũng như của xã hội về vấn đề này.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn trong việc dạy chương trình giáo dục địa phương. Ths Trần Đăng Nghĩa cho rằng, với chương trình cũ cũng như chương trình mới khối lượng kiến thức lịch sử địa phương Hà Nội đã chiếm hầu hết thời lượng được quy định trong chương trình bắt buộc của Bộ GD-ĐT, nhưng hiện nay nhiều nơi dạy cả lịch sử quận, huyện nếu không khéo sẽ làm tăng tải đối với học sinh. Nhiều nơi học sinh chưa có đủ tài liệu học tập. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở một số nơi chưa coi trọng đúng mức, chưa tạo điều kiện, quan tâm, ủng hộ giáo viên thực hiện tốt công tác này. Công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động này chưa được thường xuyên, nên một số nơi chưa thành nề nếp hoặc còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, vì vậy tác dụng giáo dục đối với học sinh chưa cao, chưa phát huy hết tiềm năng giáo dục vốn có của những di sản tại địa phương.

“Với Chương trình mới việc phân công, bố trí giáo viên dạy nội dung địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại nội dung giáo dục của địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, như một môn học độc lập, nhưng lại chưa có giáo viên được đào tạo để dạy nội dung này một cách độc lập. Vì vậy, các nhà trường rất vất vả trong việc vừa phải sắp xếp giáo viên dạy có chuyên môn phù hợp để dạy từng chủ đề, từng mạch nội dung kiến thức vừa phải cân đối trong phạm vi biên chế giáo viên của trường, tình hình này cũng gây nên những khó khăn trong việc trao đổi thống nhất nội dung chuyên môn và phương pháp giảng dạy.  Trước mắt, các nhà trường chỉ có thể bố trí giáo viên có chuyên môn phù hợp để giảng dạy nội dung địa Phương, chưa có đội ngũ giáo viên có chuyên môn sâu để giảng dạy nội dung này theo yêu cầu của Chương trình”, Ths Trần Đăng Nghĩa băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng, hiện tại, đội ngũ giáo viên để giảng dạy môn Hà Nội học đang rất thiếu.

“Ở trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, do được tạo điều kiện giúp đỡ bởi Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐHKHXH&NV, nên Nhà trường đã mời được một số giảng viên có chuyên môn tương đối vững về lịch sử – văn hóa Hà Nội để giảng dạy học học sinh. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới, cùng với đội ngũ giáo viên trên toàn địa bàn Hà Nội, Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng cần chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ giáo viên có thể đảm đương được nhiệm vụ giảng dạy này.

Về giáo trình và tài liệu học tập, mặc dù có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, trên cơ sở thừa hưởng thành quả của Hà Nội học truyền thống, nhưng Hà Nội học hiện đại lại là ngành học mới hình thành, vẫn còn nhiều vấn đề còn phải được tiếp tục đi sâu nghiên cứu thảo luận.

Giáo trình Hà Nội học hiện tại mới chỉ là tập hợp bước đầu của một nhóm tác giả phần lớn và cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trẻ, phục vụ nhiệm vụ giảng dạy và học tập nên còn có một số thiếu sót nhất định cần được gia cố, bổ sung, hoàn thiện. Việc trình bày các vấn đề trong Giáo trình Hà Nội học hiện tại thực ra sẽ phù hợp hơn với sinh viên các Trường Đại học Sư phạm nhiều hơn với các học sinh THPT.

Do đó, trong quá trình biên soạn bài giảng để giảng dạy, các thầy cô ở bậc THPT nên chọn lọc những thông tin vừa tầm trình độ của các em học sinh và trình bày ngắn gọn nhưng khúc chiết, dễ hiểu. Giáo viên cần chủ động sưu tầm thêm các tài liệu học tập về phong tục, tập quán, di sản văn hóa… để đa dạng hóa nguồn học liệu cho môn học. Đồng thời có thể khuyến khích các bạn học sinh thực hiện các dự án để gia tăng nguồn học liệu do chính các em sáng tạo nên”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, dù thời lượng dành cho các tiết địa phương trong chương trình không nhiều nhưng không nên coi đây là phần phụ, nội dung ngoại khoá của chương trình chính khoá, học chỉ để biết. Nên có cách đánh giá, cho điểm với những cách làm riêng của chương trình địa phương như viết bài thu hoạch, sáng tác thơ ca, sưu tầm tài liệu, vẽ tranh, thi diễn thuyết các chủ đề theo nhóm, lớp… nhằm tạo ra tính chủ động, sự thích thú của các em với những nội dung trong bài học./.


Lượt xem: 1

Trả lời