Hoang tàn sau “bom” lũ

Cập nhật 18/10/2013, 07:10:53

Gần trưa 17.10, chúng tôi mới tiếp cận được xã Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) – nơi bị thiệt hại nặng nề nhất tại Quảng Bình trong trận lốc xoáy và lũ quét cách đây 1 ngày. Ở ngay đình làng, giữa biển nước trắng xoá, cụ Nguyễn Văn Thía (67 tuổi) nói trong tiếng khóc nghẹn: “Ngay ở chỗ ni, ngày 28.11.1972 giặc Mỹ đã thả một trận bom B.52 khiến cả làng bị xoá sổ; hôm qua, lốc xoáy và lũ quét đã khiến cả xã tan hoang cũng như vừa qua một trận bom…”.

 

Bố bị tường sập đè chết, mẹ trọng thương đang nằm bệnh viện, trong căn nhà đổ nát này, chỉ còn cháu Phan Ngọc Trung (12 tuổi) ở thôn Linh Cận Sơn (xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) ngồi lần tìm sách vở còn sót lại chưa bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Linh Đan

“May vẫn còn sống”

Khi chúng tôi đến, xã Quảng Sơn vẫn còn là một biển nước mênh mông. Nhờ xe của một đơn vị quân đội, chúng tôi đã vượt qua được đoạn đường đang bị nước “bủa vây”, để lại phía sau hơn chục chiếc xe cứu trợ đang nằm chờ đợi… nước rút để vượt qua. Dọc đường vào Quảng Sơn, hai bên đường là cảnh tượng khiến ai cũng phải nhói lòng, khi toàn bộ nhà dân đều bị nước lũ nhấn chìm. Nhìn từ xa, thôn Hà Sơn là một ốc đảo giữa dòng sông Gianh. Từ khi xảy ra lũ quét, thôn đã bị biệt lập vì nước lũ dâng cao, không ai có thể tiếp cận được. Khi xảy ra lũ quét, từ bến đò nhìn sang chỉ thấy bóng dáng của một vài mái nhà vì đã bị nước lũ nhấn chìm. Một chiến sĩ biên phòng nói: “Các anh là những nhà báo đầu tiên bước chân đến thôn này…”.
 

Nước rút nhưng nhà tan hoang với lớp bùn dày hơn 20cm.

Vào đầu thôn, chúng tôi không thể đi vào sâu hơn nữa vì cây cối và những ống dẫn nước gãy đổ chắn ngang đường. Phải nhờ thuyền nhỏ của người dân chèo ra chúng tôi mới vào được sâu trong thôn. Nhìn thôn Hà Sơn, lòng ai cũng xót đau, đúng như lời cụ Thía đã nói với chúng tôi: “Tất cả là một bãi hoang tàn như một trận bom B.52 giội xuống”. Nhà cửa thì không còn cái nào nguyên vẹn, đồ đạc trong nhà thì chẳng còn gì, vì tất cả đã đổ nát và bị lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Văn Lân – Trưởng thôn – thều thào: “100% số nhà trong thôn bị sập và tốc mái, trong đó 15 nhà bị sập hoàn toàn. Đến hôm nay, gần 350 người trong thôn mới có mỳ tôm ăn tạm, còn ngày hôm qua thì nhịn đói, đứng trên nóc nhà giữa trời mưa gió, may mà vẫn còn sống”. Rồi ông kể, người dân toàn thôn ngày hôm qua đều hoảng loạn vì ai cũng nghĩ rằng mình không còn đường sống.

Ông Lân nhớ lại: Khoảng 1 giờ 30 phút sáng 16.10, khi cả làng đang chìm trong giấc ngủ, thì bất ngờ có cơn lốc xoáy “chỉ nghe tiếng gió rít mạnh, rồi sau đó là những tiếng “rầm, rầm” của những ngôi nhà đổ sập và tiếng gạch ngói bay tung tóe, tiếng trẻ con khóc xen lẫn với tiếng người dân kêu cứu thảm thương. Sau đó chừng vài chục phút, bất ngờ lũ quét ập xuống, cả thôn dần chìm trong dòng nước lũ. Nhà cửa tan hoang không nơi trú ẩn, mực nước thì dâng cao dần, trong khi mưa lớn như xối nước. “Cả thôn khi ấy náo loạn, mất phương hướng, người chết thì cũng chưa kịp khâm liệm” – ông Lân vẫn chưa hết bàng hoàng. Mệ Mai Thị Con (85 tuổi) ngồi thẫn thờ nhìn ra xa, mệ giờ quá mệt vì tất cả sức lực mệ đã dồn hết khi nằm trong đống đổ nát mà kêu cứu. Giữa bóng đêm, đổ nát, may mà người dân đã tìm ra mệ. Mới sáng nay, một chiến sĩ bộ đội biên phòng đã cõng mệ sang trú tạm ở nhà hàng xóm, chứ nhà mệ đã bị sập gần hết.

Tang thương

Cả thôn Hà Sơn giờ chỉ còn lại một đống hoang tàn đến thảm thương. Chị Hoàng Thị Hằng (42 tuổi) kể, cả nhà em chị là Hoàng Thị Lan phải đi bệnh viện cấp cứu vì nhà sập đổ vào người, không biết sống chết thế nào, nhà thì chỉ còn lại một đống đổ nát. Cụ Trần Thị Hồng (68 tuổi) đang cố tìm dưới lớp bùn xem có còn sót lại cái gì trong đống đổ nát không, nhưng “đến một cái bát nguyên vẹn chừ cũng không có, chừ cũng không biết dọn răng cả” – mệ ngơ ngác.

 

Nước từ thượng nguồn chảy về khiến cây cầu Đà Đớn bị cuốn phăng khiến người dân xã Sơn Kim 2 bị cô lập. Ảnh: LINH ĐAN – Đăng Khoa.

Rời thôn Hà Sơn, chúng tôi đến thôn Linh Cận Sơn – nơi có 2 người chết tức tưởi vào giữa đêm vì lốc xoáy do nhà đổ sập vào người khi đang ngủ. Vừa đến đầu thôn, hình ảnh đã làm chúng tôi không cầm được nước mắt khi cháu Phan Ngọc Trung (12 tuổi) – con trai anh Phan Xuân Sơn – mang áo tang đang ngồi giữa đống đổ nát của ngôi nhà vừa sập. Trung nói: “Cháu đang tìm vở, tối đó ba cháu dạy cháu học xong mới đi ngủ mà, cháu nhớ ba cháu lắm”. Ông Trần Ngọc Giới – Trưởng thôn Linh Cận Sơn – kể: “Khi phát hiện nhà sập, hàng xóm sang thì phát hiện anh Sơn bị tường đè chết, vợ anh là chị Trần Thị Lĩnh bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại bệnh viện. Cháu Trung sau khi đưa tang cha vào chiều hôm qua đến nay cứ thẫn thờ, hiện hai chị em ở nhà với nhau chứ nhà chẳng còn ai”. Từ đầu đến cuối thôn là không khí tang thương trong đổ nát.

Ông Giới cho biết: “Hiện trong thôn đã có hai người chết, 11 người đang bị thương rất nặng, đang được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện, khả năng 3 người không qua khỏi”. Ở gần cuối làng, hơn chục người dân đang đến dùng bạt che tạm phần sân tại nhà anh Mai Xuân Phụ. Bàn thờ cho anh cũng được lập vội.

Sau khi lũ rút, lực lượng Bộ đội BP hà Tĩnh, Công an khẩn trương đến xã Sơn Kim 2 giúp dân khắc phục, dọn nhà cửa ổn định cuộc sống.

Trong nhà anh Phụ, cũng chỉ có bàn thờ là được che kín vì tất cả đã tan hoang sau cơn lốc xoáy và mưa lũ. Chị Phạm Thị Hường – vợ anh Phụ – nói trong nước mắt: “Tui đi làm ăn xa, nghe tin chồng bị nạn liền về ngay, nhưng mới về đến nhà sáng nay vì nước lũ ngập hết không thể đến nhà được. Khi về nhà thì nghe hàng xóm kể lại, sau cơn lốc xoáy, họ phát hiện chồng tui nằm chết dưới đống đổ nát ngay trên giường ngủ. Lúc đó nước lũ cũng bắt đầu lên, họ khâm liệm ngay trên dòng nước lũ rồi đẩy trôi dưới dòng nước lên an táng ở trên núi vì không có chỗ để làm lễ, thắp hương. Đau xót quá”. Chị Trần Thị Lài (45 tuổi) nói không thành tiếng khi kể về hoàn cảnh thương tâm của gia đình mình. Hiện 3 người trong gia đình chị đang nằm ở bệnh viện, trong đó có mẹ già 80 tuổi và cháu nhỏ mới 10 tuổi. “Bác sĩ nói phải mổ sọ não, khó qua khỏi” – chị Lài nói.

Vẫn còn 10 người đi rừng chưa có tin

Tại Hà Tĩnh, ông Võ Hồng Phúc – Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn – nêu ra con số thống kê sơ bộ: Lũ quét đã cướp đi mạng sống của hai người, hai người nữa đang mất tích và 3 người bị thương; 29 xã với 12.365 hộ dân đang bị ngập, nước lũ cũng gây ngập 50 trường học, 12 điểm y tế; 3 nhà bị lũ cuốn trôi, ít nhất 5 nhà sập; 300 hộ bị trôi tài sản… Theo thống kê sơ bộ của chính quyền xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn), riêng tại thôn Làng Chè, lũ quét đã làm 3 ngôi nhà dân bị nước lũ cuốn trôi, 6 nhà bị sập hoàn toàn và có trên 100 hộ dân gần như bị trắng tay sau lũ. Sau khi lũ quét, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phải điều động trên 300 cán bộ chiến sĩ về thôn Làng Chè để giúp dân khẩn trương khắc phục lũ quét, hàng trăm cán bộ chiến sĩ lực lượng công an Hương Sơn cũng có mặt tại Làng Chè để giúp dân trong lũ.

Cũng theo chính quyền xã Sơn Kim 2, hiện nay đang có 10 người dân xã này trong quá trình đi rừng gặp mưa lũ vẫn chưa có thông tin gì.. Hiện tỉnh Hà Tĩnh phân công 6 đoàn đi ứng cứu, đồng thời chỉ đạo các lực lượng, quân sự, công an, biên phòng tiếp tục tiếp cận, ứng cứu người dân, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm không để người dân đói, rét. Tại huyện Hương Khê, có trên 1.000 hộ dân ở 21 xã, thị trấn ngập trong nước và bị cô lập. Hiện nước lũ đã rút nhưng nhiều nhà cửa, trường học, cơ quan hành chính bị bùn lầy tràn ngập buộc phải nghỉ. Ở xã Thạch Hà, mưa to, lốc xoáy trong ngày hôm qua đã làm sập hoàn toàn 4 nhà và tốc mái 118 nhà dân tại 5 xã. Công tác khắc phục đang được khẩn trương triển khai nhằm giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Theo Lao Động ĐT


Lượt xem: 50

Trả lời