Hải Phòng, Quảng Ninh chạy nước rút chống bão Thần Sấm

Cập nhật 18/7/2014, 06:07:16

Lệnh cấm các phương tiện và khách du lịch ra biển đã được 2 địa phương này ban hành. Các cuộc họp đã được hủy để tập trung nhân lực ứng phó bão.

Theo Ủy ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng và Quảng Ninh, tính đến cuối giờ chiều 17/7, cả hai địa phương này đã ra lệnh cấm các phương tiện vận chuyển hành khách ra biển. Hầu hết các phương tiện đã nhận được lệnh phải nhanh chóng tìm nơi neo đậu tránh trú bão. 

Các biện pháp gia kè các đoạn đê xung yếu có nguy cơ sạt lở cũng đã được ưu tiên triển khai. Các cuộc họp đã được hủy để tập trung nhân lực ứng phó bão Rammasun (bão Thần Sấm) – cơn bão số 2 của năm 2014 đổ vào nước ta.

Tại Quảng Ninh: Đến 15h chiều 17/7, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương trực chống bão 24h/24h, theo dõi sát sao, chặt chẽ, thường xuyên thông tin về cơn bão; thông tin cho nhân dân biết về tình hình của cơn bão Rammasun, sẵn sàng các biện pháp phòng chống.

Từ 12h30 trưa nay, dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan; thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tua tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão.

Các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn. Đối với các phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận, chỉ để lại những người có sức khỏe trông tàu; các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản.

 

Bộ đội biên phòng Quảng Ninh kêu gọi tàu bè vào nơi trú bão an toàn
Bộ đội biên phòng Quảng Ninh kêu gọi tàu bè vào nơi trú bão an toàn

 

Đối với các đơn vị của ngành than, cần tập trung phòng chống sạt lở, nhất là các bãi thải; có phương án phòng chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho các hầm lò;

Tại TP Hạ Long, 324 hộ dân các làng chài đã được đưa lên lên bờ tại phường Hà Tu, còn 31 hộ, thành phố sẽ cưỡng chế lên bờ trong ngày hôm 17/7; 15 nhà bè tại khu vực Cửa Vạn cũng sẽ được đưa vào tránh trú bão trong chiều ngày 17/7. 

Đối với những khu vực sạt lở đất đá, nguy hiểm do ảnh hưởng những trận mưa mấy ngày qua, thành phố đã cho di dời xong những hộ dân tại khu vực này; thành phố sẽ có phương án di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở khác.

 

Tàu bè vào nơi tránh trú bão vùng an toàn trên biển Quảng Ninh
Tàu bè vào nơi tránh trú bão vùng an toàn trên biển Quảng Ninh
Tàu bè vào nơi tránh trú bão vùng an toàn trên biển Quảng Ninh

 

Tại huyện đảo Cô Tô, đã thực hiện di chuyển được 300 khách, chiều 17/7 huyện tiếp tục kêu gọi du khách di chuyển vào bờ. Tại huyện Vân Đồn, 154 khách du lịch tại Minh Châu đang di chuyển vào bờ.

Tại Hải Phòng: Lực lượng bộ đội biên phòng, chiến sĩ của bộ tư lệnh quân khu 3 cũng đã tổ chức ra quân triển khai giúp dân phòng chống bão.

Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ tính đến 10h trưa nay có 5 phương tiện, 2 lông tông chở 9 lao động bị hỏng máy nên chưa thể vào đất liền cần phải triển khai ứng cứu. Hiện vẫn còn nhiều phương tiện đang hoạt động đánh bắt trên biển chưa về nơi neo đậu an toàn. 

Đã có 183 phương tiện cùng 661 lao động và 250 thuyền nan với 378 lao động vào nơi trú ẩn. 

Ủy ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy nhanh công tác di dân, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu để tránh bão.
 
Nghệ An: Vẫn còn hơn 1500 ngư dân trên biển
 
 
Tính đến 17h30' ngày 17/7/2014 có 441 phương tiện/1.686 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An. Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Nghệ An 24 giờ qua: Mây thay đổi đến nhiều mây, không mưa.
 
Theo báo cáo số 04/BC-PCLB ngày 17/7/2014 của của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An thì địa phương này có 4.017 phương tiện/20.003 lao động đánh bắt hải sản.

Tính đến 17h30' ngày 17/7/2014 vẫn còn 441 phương tiện/1.686 lao động đang hoạt động tại vùng ven biển Nghệ An;15 phuơng tiện/157 lao động đang hoạt động ở ngoại tỉnh và vùng đánh cá chung. Hiện các phương tiện đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Tăng cường tuyên truyền về đường đi và diễn biến của cơn bão, mưa lũ do hoàn lưu sau bão để người dân biết và chủ động phòng tránh, chống tư tưởng chủ quan, bất cẩn, cho rằng bão không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An nên coi thường, gây hậu quả đáng tiếc, thiệt hại đến tính mạng và tài sản.

Ngư dân Nghệ An cho tàu thuyền vào bờ.
Ngư dân Nghệ An cho tàu thuyền vào bờ.

Giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả các tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn; kiểm đếm số lượng tàu thuyền, hướng dẫn, tổ chức neo đậu an toàn, không để người ở lại trên tàu, thuyền khi có bão.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 0h00 ngày 18/7/2014. Đồng thời, kiểm tra các phương án di dời dân, đặc biệt là ở vùng ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt, vùng hạ du các hồ chứa; chủ động tổ chức di dời khi cần thiết…
 
Kiểm tra các vị trí giao thông thường hay bị ngập lụt tại các ngầm, tràn, bến đò ngang, khe suối, các vị trí thường xảy ra sạt lở đất, sẵn sàng cử người canh gác, cắm biển cảnh báo, chốt giữ không cho người và phương tiện qua lại trong thời gian mưa lũ, có biện pháp sẵn sàng đảm bảo an toàn giao thông.

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập. Chỉ đạo các chủ hồ tổ chức trực ban, theo dõi mực nước và lưu lượng về hồ. Tuần tra, canh gác, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý giờ đầu khi có tình huống xảy ra. Chủ động vận hành xả nước theo đúng quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, đồng thời hạn chế gây ảnh hưởng, thiệt hại cho vùng hạ du…

 
 
 

theo Dân Trí


Lượt xem: 20

Trả lời