Gỡ rối Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh

Cập nhật 09/5/2023, 07:05:55

Theo báo cáo, có 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chiều 8/5, chủ trì cuộc họp về thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đại diện các bộ, ngành phân tích, chỉ ra những vấn đề, thách thức đang cản trở đề án.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án 06 là tiền đề hết sức quan trọng để tiến tới vận hành Chính phủ số, đi cùng với xã hội số, kinh tế số, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Theo báo cáo tại cuộc họp, 4 nhóm vấn đề gặp nhiều vướng mắc trong thực hiện Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương là: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công, nguồn lực triển khai Đề án.

Cụ thể, về pháp lý, nhiều bộ, ngành chưa hoàn thành việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư. Việc rà soát sửa đổi các văn bản dưới nghị định còn chậm, chưa công bố để các địa phương thực hiện. Các địa phương chưa chủ động tái cấu trúc theo thẩm quyền thủ tục hành chính. Việc rà soát đề xuất chủ trương miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến chưa hiệu quả…

Về hạ tầng công nghệ thông tin, cấp bộ chậm thực hiện theo các hướng dẫn về chuyển đổi số, về an ninh an toàn thông tin. Hệ thống thông tin chưa được liên kết đồng bộ, tổng thể, nhiều đơn vị còn có hệ thống phân tán; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều. An ninh an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức, chưa ban hành quy trình, quy chế để quản lý khai thác và bảo mật thông tin…

Cùng với những tồn tại tương tự, các địa phương còn chưa đánh giá tổng thể hạ tầng để có kiến trúc tổng thể chuyển đổi số, triển khai hệ thống của các sở, ngành rời rạc, không tập trung được hạ tầng cũng như dữ liệu, dẫn đến việc thực hiện chuyển đổi số không hiệu quả trong các sở ngành, lĩnh vực; chưa quyết liệt trong việc rà soát, bổ sung, đầu tư các thiết bị đầu cuối cần thiết…

Về dịch vụ công của địa phương, việc khai thác thông tin tự động điền biểu mẫu điện tử (eForm) chưa tạo được hiệu ứng tích cực để chuyển đổi trạng thái; chưa trang bị đầy đủ công cụ, phương tiện để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến thuận tiện tại các bộ phận 1 cửa.

Trong khi đó, các địa phương thiếu chủ động tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho lực lượng quản trị, vận hành các hệ thống và phổ cập kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản cho cán bộ để có thể sử dụng thành thạo phần mềm.

Nêu giải pháp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thành thủ tục ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn (thời hạn tháng 7/2023); Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông; kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0…

“Bộ TT&TT sẽ thẩm định chặt chẽ kiến trúc chặt chẽ kiến trúc chính phủ điện tử của các bộ ngành để bảo đảm đồng bộ với kiến trúc Chính phủ điện tử quốc gia; tập trung đánh giá, công bố chất lượng cổng dịch vụ công trực tuyến các bộ, ngành, địa phương và mức chi phí triển khai”, ông Dũng nói.

Nhấn mạnh yêu cầu đồng bộ, thống nhất của hạ tầng công nghệ (phần cứng và phần mềm), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT phải làm rõ cơ chế, phạm vi đầu tư đối với mạng lưới trục đường truyền cấp quốc gia cho đến bộ ngành, địa phương; định mức, đơn giá thuê dịch vụ công nghệ thông tin, ứng dụng, phần mềm (dùng chung, chuyên dụng) trong quản trị dữ liệu.

Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong xây dựng luật giao dịch điện tử bao gồm giao dịch giữa chính quyền với công dân và các chủ thể khác; giữa công dân với các chủ thể khác; dịnh hướng về mặt nguyên tắc trong sửa các luật liên quan.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT xem xét, nghiên cứu, đề xuất chính sách đầu tư cho chuyển đổi số vào hạ tầng đường truyền, thiết bị, phần mềm, con người; phương án đấu thầu, lựa chọn nhà thầu dịch vụ công nghệ thông tin khác với những gói thầu vật tư, thiết bị khác dựa trên đặc thù là tài sản, tài nguyên tri thức, mang tính sáng tạo. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế mới về thuê dịch vụ công nghệ thông tin./.


Lượt xem: 1

Trả lời