Chọn học nghề hay đại học – băn khoăn lớn của nhiều thí sinh

Cập nhật 14/7/2023, 08:07:08

Thị trường lao động Việt Nam luôn cần cả người tốt nghiệp đại học và người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực tế chứng minh sinh viên ra trường có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao không,… phụ thuộc vào chính năng lực của từng cá nhân.

Tốt nghiệp THPT, đứng trước một ngã rẽ mới, không ít thí sinh băn khoăn về việc nên học nghề hay bằng mọi giá vào đại học, đâu là hướng đi đúng đắn nhất?

Chị Nguyễn Hương Trà (Đống Đa, Hà Nội) có con vừa thi tốt nghiệp THPT đang không khỏi băn khoăn về việc định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cho con. Chị Trà cho biết, con trai chị có học lực trung bình khá, đối chiếu với đáp án mà Bộ GD-ĐT đã công bố, dự kiến điểm thi theo khối A00 (Toán, Lý Hóa) đạt khoảng 15-17 điểm. Với mức điểm dự kiến này, chị Trà biết chắc con không có nhiều lựa chọn vào các trường đại học.

“Tôi tư vấn cho con nên lựa chọn học cao đẳng nghề để có thể nhanh chóng đi làm. Với khối ngành kỹ thuật con muốn theo đuổi thì học các trường nghề cũng khá phù hợp, tuy nhiên con vẫn nhất định muốn học đại học. Đến giờ dù đã bắt đầu đăng ký xét tuyển nguyện vọng, nhưng bố mẹ và con vẫn chưa thống nhất được phương án nên học nghề hay học đại học”, chị Trà chia sẻ.

Nguyễn Nhật Hạ (Nghệ An) cũng đang không khỏi băn khoăn về việc nên học nghề hay học đại học. Đam mê ngành làm đẹp, Nguyễn Nhật Hạ có ước mơ sẽ mở một spa: “Em rất thích các ngành liên quan đến làm đẹp như spa, làm tóc, làm móng. Ngay từ khi học phổ thông em cũng tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm những công việc này. Em không thích đi học đại học mà muốn học nghề để có thể đi làm luôn nhưng gia đình lại nhất quyết phản đối. Bố mẹ định hướng cho em những nghề “phù hợp với con gái” như kế toán, tài chính ngân hàng… Bố mẹ thuyết phục em rằng em có thể học xong đại học sau đó tiếp tục theo đuổi đam mê ngành làm đẹp cũng chưa muộn”.

Ai nên học đại học và ai nên học nghề?

Nói về băn khoăn này của nhiều thí sinh và phụ huynh, Ths Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Hà Nội cho rằng, học đại học hay học nghề thì đều có những ưu, nhược điểm riêng, việc chọn bậc học nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, năng lực và mong muốn của mỗi thí sinh.

“Học đại học, thời gian đào tạo dài 4 – 5 năm. Vì vậy, các em được học nhiều kiến thức đại cương cho đến kiến thức chuyên ngành. Thời gian đào tạo dài đòi hỏi các em phải đầu tư chi phí lớn cho học phí, sinh hoạt, thuê nhà. Tuy nhiên, nếu các em có năng lực và muốn được đào tạo chuyên sâu về ngành nghề mình đã chọn, muốn có những kiến thức nền tảng về tư duy logic, cách thức đào sâu, tìm hiểu các vấn đề bài bản, khoa học để phát triển nghề nghiệp và kinh tế gia đình có thể đáp ứng được thời gian học kéo dài (4 – 5 năm), học phí cao thì bạn nên chọn học đại học.

Học nghề thì cái lợi thế dễ thấy nhất là học nhanh, đi làm được ngay, thời gian đào tạo ngắn, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với học đại học, có thể tham gia vào thị trường lao động sớm, có thu nhập ổn định và tiếp tục học cao lên nếu có nhu cầu. Khi đã nắm vững công việc thực tế, những kiến thức sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.

Nếu các em muốn học nhanh, có việc làm sớm, ưa thích trải nghiệm, thực hành, không muốn học các kiến thức quá hàn lâm và kinh tế gia đình không quá dư dả, thì con đường học nghề là lựa chọn phù hợp. Học nghề xong, cơ hội việc làm khá rộng mở, vì hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao”, Ths Bùi Quang Thịnh phân tích.

Theo thầy Thịnh, chương trình đào tạo của các trường nghề thường sát với thực tế, chú trọng việc thực hành, tập trung dạy những kỹ năng, kiến thức chuyên môn gắn với thực tiễn, cung cấp cho sinh viên những kỹ năng để thuần thục công việc để đi làm được ngay sau khi tốt nghiệp. Thực tế cho thấy, các nhà tuyển dụng hiện nay không còn coi trọng bằng đại học hay cao đẳng mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Tức năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc ứng viên đó có được lựa chọn hay không chứ không phải tấm bằng.

“Không phủ nhận rằng, tấm bằng đại học là một minh chứng tự hào cho trình độ học vấn của mỗi người. Tuy nhiên tấm bằng chỉ thực sự có ý nghĩa khi vận dụng được những kiến thức để phát triển sự nghiệp, phục vụ cuộc sống.

Trong hàng ngàn ngành nghề hiện nay, không phải nghề nào cũng cần tới trình độ đại học. Đại học cũng không phải là con đường duy nhất, càng không phải là thước đo để đánh giá một con người. Dù các em học đại học hay cao đẳng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là học lấy một nghề để gắn bó lâu dài, phát triển sự nghiệp của mình.

Do vậy, quan trọng là các bạn trẻ xác định rõ mình muốn làm gì trong tương lai, khả năng của bản thân có thể đáp ứng đến đâu, kinh tế gia đình có thể chu cấp ngắn hạn hay dài hạn để chọn cấp học phù hợp với bản thân”, thầy Bùi Quang Thịnh nhấn mạnh.

Đại học không phải “học đại”

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT cũng cho rằng “đại học không phải học đại”.

“Suy cho cùng, học đại học hay học nghề cũng chỉ là con đường khác nhau để xác định bản thân các em là ai, sự nghiệp của bạn là gì, giá trị của bạn ở đâu trong xã hội. Nói thực tế hơn là có một cái nghề, có thể kiếm tiền, nuôi sống bản thân, gia đình, sống đúng đạo đức và pháp luật. Về mặt xã hội, tâm sinh lý, sau tốt nghiệp THPT học sinh hoàn toàn có thể bước vào thị trường nghề nghiệp hoặc trải qua giai đoạn học nghề bài bản để có tay nghề cao hơn, cơ hội việc làm và có thể mang lại thu nhập tốt hơn”, thầy Hiền nói.

Theo thầy Đinh Đức Hiền, việc chọn học nghề hay vào đại học cần căn cứ vào 4 yếu tố cơ bản gồm năng lực bản thân, trong đó có năng lực học tập văn hóa, năng lực tư duy não bộ ở mức cao. Thứ hai là sở thích, niềm đam mê; Thứ ba, dựa trên nhu cầu thực tế xã hội; Thứ tư là điều kiện kinh tế, gia đình.

“Nếu thực sự không thể học một trường đại học tốt, các em hãy nghĩ đến trường nghề, đừng bao giờ chọn đại một trường đại học vì tấm bằng, hay đi học vì không muốn đi làm. Hai từ “có thể” luôn được đưa ra để ngụy biện rằng mai sau “có thể thay đổi”. Nhưng các em hãy nhớ, “tương lai khóc hay cười nó phụ thuộc vào độ lười của quá khứ”. Nếu muốn thay đổi tương lai thì trước hết bản thân phải thay đổi, tương lai được xây dựng trên nền tảng của hiện tại. Dù các em chọn con đường nào thì thái độ sống, thái độ học tập, làm việc mới là quan trọng”, thầy Đinh Đức Hiền chia sẻ.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam đang thiếu cả nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học và nguồn nhân lực tốt nghiệp các trường nghề, nói cách khác là thiếu cả “thầy” và “thợ”, đặc biệt là “thầy” và “thợ” chất lượng cao. Thí sinh cần nhìn nhận rằng, việc vào đại học hay học nghề, mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm và khó khăn riêng.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phân tích, về mặt bằng cấp, trình độ đại học sẽ được đánh giá ở mức cao hơn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Với các cơ quan nhà nước, ứng viên tốt nghiệp đại học thang bảng lương sẽ ở mức cao hơn so với tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến đối với sinh viên tốt nghiệp đại học cũng tốt hơn các em tốt nghiệp trường nghề.

Song khi so sánh với học nghề, việc học đại học cũng có những điểm khó khăn hơn như  khoảng thời gian học dài hơn, học phí và yêu cầu đầu vào trường đại học cũng thường cao hơn trường nghề. Những nhược điểm này của học đại học chính là ưu điểm của học nghề.

Nhấn mạnh rằng thị trường lao động Việt Nam luôn cần cả người tốt nghiệp đại học và người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, sinh viên ra trường có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao không,… phụ thuộc vào chính bản thân các em, khả năng làm việc có đáp ứng được yêu cầu từ thị trường lao động hay không. Do đó, mỗi thí sinh cần cân nhắc kỹ những ưu điểm, thách thức của học nghề và học đại học, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho bản thân.


Lượt xem: 2

Trả lời