Bệnh sởi ở người lớn: Dịch sởi, không quá hoang mang nhưng không được chủ quan

Cập nhật 26/4/2014, 06:04:39

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư-Bệnh viện Nhiệt đới TW nhấn mạnh, về lý thuyết bệnh sởi ở người lớn không nặng như ở trẻ em

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế về quyết liệt ngăn chặn dịch sởi, ngày 25/4, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã chỉ đạo tất cả các khoa lâm sàng của viện đều phải tham gia điều trị và tiếp nhận bệnh nhân sởi. Hiện bệnh viện đang điều trị cho tổng cộng 75 ca bệnh sởi trong đó có 30 bệnh nhi còn lại là người lớn. Trong ngày 25/4, có khoảng 5 ca nhập viện, những ngày trước trung bình mỗi ngày khoảng 16 ca nhập viện.

 

Số ca bệnh sởi nhập viện nhiệt đới trung ương tăng nhanh từ đầu tháng 4 tới nay

Trao đổi với phóng viên VOV online, Thạc sĩ-Bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng khoa Virus-Kí sinh trùng (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết, từ đầu tháng 1 đến nay, số bệnh nhân sởi người lớn nhập viện tương đối nhiều. Đỉnh điểm là từ đầu tháng 4 đến nay, số bệnh nhân nhập viên tăng lên nhanh. Tuy nhiên khi hỏi về bệnh sử của những ca bệnh này đa phần đều trả lời họ không rõ đã từng tiêm vaccine sởi hay đã từng bị mắc sởi hay chưa, có những trường hợp đã từng bị sốt phát ban nhưng không rõ đó có phải là bệnh sởi hay không. Do đó rất khó có thể xác định các bệnh nhân này đã có miễn dịch với bệnh sởi hay chưa.

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư cho rằng cách duy nhất để phòng tránh lây nhiễm bệnh sởi vẫn là tiêm phòng vaccine cho cả người lớn và trẻ em theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Những người chưa tiếp xúc với sởi hoặc không biết có nhiễm sởi hay không đều phải tiêm phòng. Viện Vệ sinh dịch tễ đang mở rộng việc tiêm phòng sởi cho mọi đối tượng. Ngoài ra, người dân có thể liên hệ tới Phòng tiêm chủng của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để được tiêm phòng và tư vấn về cách phòng chống bệnh sởi.

 

Các phòng bệnh đều kín người

Bác sĩ Nguyễn Kim Thư cho biết, về lý thuyết, bệnh sởi ở người lớn không nghiêm trọng như ở trẻ nhỏ. Vì vậy, trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng của bệnh sởi như sốt kèm theo ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch… thì người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà (uống thuốc hạ sốt nếu bị sốt, uống orezon, vệ sinh da, răng họng miệng, nhỏ nước muối sinh lý để tránh viêm kết mạc). Theo dõi trong trường hợp có bội nhiễm hay biến chứng với các biểu hiện như viêm phổi, viêm kết mạc mắt, đau nhức phù nề mi mắt, ho, khạc đờm, tiêu chảy nhiều, sốt cao liên tục… thì phải nhập viện. Biến chứng bệnh sởi ở người lớn có thể dẫn tới viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não; phụ nữ mang thai khi mắc bệnh sởi có thể xảy thai, thai chết lưu, đẻ non…

Bác sĩ Thư cũng cho biết, đối với phụ nữ đang mang thai, hiện chưa có khuyến cáo về việc tiêm phòng vaccine sởi. Vì vậy, cách thức duy nhất để những đối tượng này tự bảo vệ mình là tránh tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, đeo khẩu trang khi ra đường và tới những chỗ đông người. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong vòng 3-6 ngày nếu có tiếp xúc với người nhiễm sởi, có thể tiêm Immune Globulin (IG) để giảm nguy cơ mắc hoặc biến chứng do sởi.

Trả lời câu hỏi về thông tin có phải bệnh sởi đang có dấu hiệu chững lại, Bác sĩ Nguyễn Kim Thư khẳng định chưa thể kết luận dịch bệnh sởi đã lên tới đỉnh điểm hay chưa và nó có thể đi xuống vào thời điểm nào.

 

Quá tải bệnh nhân ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân phải nằm ghép 2 người/giường ngoài hành lang

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi chiều 24/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu tăng cường công tác tiêm chủng và dành tối đa số lượng vaccine sởi để tiêm chủng cho trẻ dưới 10 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (miễn phí tại Hà Nội.

Tại cuộc họp này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, Hà Nội vẫn duy trì số lượng bệnh nhân sởi điều trị tại BV ở mức cao, mặc dù có giảm nhưng không đáng kể (khoảng 700 bệnh nhân/ngày là người ở Hà Nội). Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định số ca tử vong do sởi có thể chưa dừng lại do những bệnh nhân nặng điều trị hàng tháng tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội đều có nguy cơ tử vong cao. Trong khi đó, chiến dịch tiêm vét vaccine sởi trên địa bàn đã hoàn thành đến 97%.

Ông Hạnh cũng cho biết, Hà Nội vẫn còn khoảng 2-5% trẻ chưa được tiêm chủng phòng sởi, nguyên nhân do người dân sợ phản ứng sau tiêm và một phần do trẻ bị ốm trong thời điểm đưa đi tiêm chủng. Ngoài ra, nhiều gia đình lại chờ trẻ đến 12 tháng tuổi mới cho tiêm dịch vụ mũi 3 trong 1.

Cũng theo ông Hạnh, việc cung ứng đủ văcxin sởi miễn phí cho trẻ dưới 10 tuổi cũng là điều đáng bàn vì số trẻ dưới 10 ở Hà Nội hiện vào khoảng 1,4 triệu.

Cập nhật tình hình diễn biến bệnh sởi trên cả nước, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng từ đầu năm đến ngày 24/4, đã ghi nhận 3.609 ca mắc sởi trong tổng số 10.017 trường hợp sốt phát ban dạng sởi. Trong đó có 25 ca tử vong được xác định do sởi trong tổng số 123 ca nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi./.

Theo VOV


Lượt xem: 40

Trả lời