Bác Hồ giản dị gần gũi trong buổi lễ trọng đại

Cập nhật 02/9/2013, 07:09:44

(GLO)- Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

 

Trong sự kiện ngày 2-9 năm đó, có những vấn đề làm ta quan tâm. Theo sách “Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh, hành trình tìm đường cứu nước” (Nhà Xuất bản Chính trị-Hành chính, HN-2011) thuật lại thì, sau khi hoàn thành bản thảo Tuyên ngôn Độc lập, Bác đọc cho những người cộng tác thân cận nghe và hỏi ý kiến họ (điều đó Bác vẫn làm thường xuyên). Bác Hồ không giấu nổi sung sướng. Bác nói trong đời đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản tuyên ngôn như vậy. Tài liệu nói trên cũng cho biết rằng bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác soạn thảo là kết quả từ những bản yêu cầu gửi cho Hội nghị Versailles viết năm 1919 và chương trình Việt Minh viết năm 1941.

 

Hơn nữa bản Tuyên ngôn gần như là kết quả của những bản tuyên ngôn khác và của các bậc tiền bối trong và ngoài nước, nó cũng đồng thời là những gì mà Bác tổng hợp từ biết bao sách báo, tài liệu được viết nên từ nước mắt và máu xương của những nhà yêu nước trong suốt 80 năm trước đó! Bản Tuyên ngôn Độc lập “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những con người anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trại tập trung… Là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắn sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam” (lúc bấy giờ-N.V)… Là trang vẻ vang trong lịch sử nước Việt, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế, chế độ thực dân áp bức, mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa!

Những điều nói trên thể hiện rất rõ ràng trong nội dung bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác đã thay mặt Chính phủ đọc trước quốc dân đồng bào tại thủ đô Hà Nội vào ngày 2-9-1945 mà chúng ta đã biết. Trong buổi lễ trang nghiêm này, một trong những điều mà chúng tôi muốn nói đến là sự “lạ thường” của một vị Chủ tịch nước trước quốc dân đồng bào mình. Khi mà người người chờ đợi một vị Chủ tịch, một lãnh tụ thì vui thay, trong số đó có không ít người nghĩ rằng, người mà họ chờ đợi là một nhân vật rất nhiều điều đặc biệt, nhưng chắc chắn sẽ không là “mặc áo hoàng bào, thắt đai khảm ngọc”. Và thật bất ngờ, một nhà báo khi đó chứng kiến sự việc kể lại rằng: “Với sự tưởng tượng như thế-một người ăn mặc chỉnh tề, một người đi đứng đàng hoàng, ăn nói trang trọng, nói tóm lại là một nhân vật rất nhiều điều đặc biệt-về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân sớm biết mình bị lầm. Trông thấy Chủ tịch đến, nhân dân nhận thấy Hồ Chủ tịch giản dị, thân mật như một người cha hiền về với những người con” (Theo Sđd).

Nhà báo nói trên còn kể thêm: “Từ xa tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch đội mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió, đi một đôi dép cao su, mặc một bộ quần áo ka-ki… Khi Chủ tịch bắt đầu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập với giọng sang sảng của Người, Chủ tịch còn nhắc lại chuyện ở rừng núi xa xăm, chiến tranh du kích… Đọc xong một đoạn và giữa những tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô nhiệt liệt, Chủ tịch nói “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi của Người khi ấy làm cho chúng ta, mọi người dân xứ Việt cho tới ngày nay cảm thấy sâu sắc về lòng thương yêu, sự sẻ chia, mối quan tâm lo lắng của một người Cha, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi người dân-đồng bào. Trong buổi lễ trang trọng hôm ấy, “tất cả mọi người thấy Chủ tịch là một người như mình, gần mình, của mình, thân thiết với mình, một người thương yêu nhân dân với một lòng vô hạn” (Theo Sđd).
 

Trước đó, có tài liệu cho biết, kế hoạch khởi nghĩa đã được chuẩn bị từ lâu. Ngày 19-8-1945 là ngày cướp chính quyền trong toàn quốc. Từ đó về sau, ngày này được coi là ngày lịch sử của dân tộc. Có nhiều diễn biến tình hình nhanh chóng và tích cực, có lợi cho Cách mạng kể từ sau khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân. “Nhân dân say sưa vì sung sướng; cờ đỏ sao vàng phấp phới từ nhà lầu đến nhà tranh, từ thành thị đến thôn quê” (Sđd). Khí thế cách mạng dâng trào, đâu đâu trong cả nước đồng bào các dân tộc cũng nô nức mở hội, mít tinh, đón chào chính quyền mới, chính quyền của dân, do dân và vì dân. Tuy vậy, Bác Hồ rất lo lắng, còn bao chuyện bộn bề của một chính quyền quá non trẻ, nhất là cứu dân thoát qua nạn đói và hậu quả của nó mà trước đó đã làm cho cả triệu người chết, còn chuyện thất học, chuyện ốm đau nữa cũng là điều làm Bác hết sức quan tâm… Muốn làm điều ấy, không ai khác là Đảng và Chính phủ, và với một sự đoàn kết, chung tay ngay từ trong Chính phủ lâm thời.

Khi họp Chính phủ lâm thời lúc Bác đã về đến Hà Nội, Bác đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất toàn quốc bao gồm những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái có danh vọng. Và, chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời với gần một nửa Bộ trưởng không phải Việt Minh, Chính phủ đã thực thi công việc của mình ngay những ngày đầu thành lập. “…Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”-đó là tư tưởng vì dân của Bác, của Đảng và Chính phủ xuyên suốt quá trình chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Với một chuyện lớn như việc soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của đất nước, ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ và đọc bản Tuyên ngôn đó, nhưng với những gì mà Bác Hồ đã làm như những chuyện đã nói ở trên (chỉ là phần nhỏ), chúng ta thấy ở Bác là một con người của nhân dân, một lãnh tụ gần gũi với mọi người, sẵn sàng học tập, lắng nghe mọi người để hoàn thiện. Nhân kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 44 năm ngày mất của Bác, đọc lại, nhớ lại, ngẫm lại những gì về những việc làm của Bác như nhắc nhở mọi người chúng ta tự nhìn lại mình, loại bỏ những gì còn yếu kém, phát huy những gì thuộc về ưu điểm, tích cực để hoàn thiện cho chính mình và đảm đương tốt công việc được giao!  

Báo gia lai


Lượt xem: 182

Trả lời