Tuần quyết định tương lai chính trị của Tổng thống Brazil

Cập nhật 29/3/2016, 07:03:53

Tổng thống Brazil Rousseff cáo buộc âm mưu đưa bà ra xét xử tại một tòa án chính trị ở Quốc hội là một âm mưu đảo chính.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và liên minh cầm quyền của bà có thể sẽ phải trải qua một kỳ nghỉ lễ Phục sinh không trọn vẹn. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có nguy cơ khiến cho liên minh cầm quyền đổ vỡ ngay trong tuần này, trong bối cảnh thời điểm Quốc hội tiến hành bỏ phiếu về việc phế truất Tổng thống cũng đang tới gần, dự kiến vào giữa tháng 4 tới.

tuan quyet dinh tuong lai chinh tri cua tong thong brazil hinh 0
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff . (Ảnh: AFP)

 

Hiệp hội luật sư Brazil cho biết trong ngày 28/3 sẽ một lần nữa gửi yêu cầu Quốc hội tiến hành luận tội bà Rousseff , với các cáo buộc sửa sổ sách tài chính và liên quan tới vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Đặc biệt, ngày mai (29/3), Ban lãnh đạo Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) sẽ chính thức thông báo quyết định rút khỏi liên minh  cầm quyền, khiến chặng đường giữ chiếc ghế Tổng thống cho đến hết nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo cánh tả này trở nên khó khăn hơn.  

Trong trường hợp Tổng thống Rousseff  bị phế truất, Đảng Phong trào Dân chủ Brazil, với tư cách là chính đảng lớn nhất tại quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ tạm thời lãnh đạo đất nước cho tới khi diễn ra tổng tuyển cử vào năm 2018.          

Trong bối cảnh bà Rousseff đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có trong sự nghiêp chính trị như hiện nay thì quyết định của Đảng Phong trào Dân chủ Brazil không gây ngạc nhiên. Bởi trên thực tế, những rạn nứt trong liên minh cầm quyền tại Brazil đã có từ lâu và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil bùng phát, Chủ tịch Đảng PMDB, Phó Tổng thống Michel Temer chưa một lần lên tiếng bảo vệ bà Rousseff  và thậm chí hồi tuần trước còn gặp lãnh đạo đảng đối lập để thảo luận về tương lai đất nước, vốn đang chìm sâu trong suy thoái  kinh tế và khủng hoảng chính trị.

Từ đầu tháng 3, các cuộc biểu tình ủng hộ và chống Chính phủ diễn ra gần như là hàng ngày tại Brazil với sự tham gia của hàng triệu người dân trên khắp đất nước. Với tuyên bố sẽ không bao giờ từ chức, Tổng thống Rousseff  mới đây đã quyết định  bổ nhiệm ông Lula da Silva, người tiền nhiệm và cũng là người đỡ đầu bà làm Chánh Văn phòng Nội các, song vẫn chưa được Tòa án Tối cao liên bang thông qua, do ông này cũng đang bị cáo buộc liên quan tới vụ tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Quyết định dự kiến cũng được đưa ra ngay trong tuần này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây là một nước cờ nguy hiểm của bà Rousseff . Bởi việc ông Lula da Silva, người sáng lập Đảng Lao động (PT) cầm quyền, tham gia Nội các một mặt có thể sẽ giúp bà Rousseff  củng cố liên minh cầm quyền đang ngày càng rạn nứt, song mặt khác cũng có thể đẩy nhanh quá trình đổ vỡ của liên minh này.

Tổng thống Rousseff  và những người ủng hộ bà cáo buộc, âm mưu đưa Tổng thống ra xét xử tại một tòa án chính trị ở Quốc hội nhằm phế truất bà là một âm mưu đảo chính. Theo bà, Hiến pháp Brazil cho phép tiến hành xét xử một Tổng thống chỉ khi có bằng chứng phạm tội rõ ràng, do đó, trong trường hợp không có bằng chứng, việc bắt ép Tổng thống từ chức là một hành động đảo chính chống lại nền dân chủ.

Mới đây, ông Jaques Wagner, Bộ trưởng phụ trách nhân sự của Phủ Tổng thống cũng cho rằng, việc luận tội Tổng thống không phải là một giải pháp cho các vấn đề của đất nước, mà thậm chí còn đẩy đất nước lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng.

Ông Wagner nói: “Trong một nền dân chủ, điều cần thiết là phải tôn trọng lá phiếu của nhân dân, những người đã bầu ra Chính phủ cầm quyền. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lớn nếu chúng ta tiến hành luận tội Tổng thống để tước bỏ quyền lực của Chính phủ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ đất nước. Thà rằng chúng ta kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử sớm còn tốt hơn”.

Hiện cả bà Rousseff và phe đối lập đều đang tích cực triển khai các chiến dịch vận động để lôi kéo sự ủng hộ. Theo quy định, phe đối lập cần phải đạt được 2/3 số phiếu ủng hộ tại Hạ viện mới có thể tiến hành luận tội Tổng thống trước Thượng viện. Nếu không, tiến trình này sẽ bị khép lại. Theo các quan chức chính trị cấp cao Brazil, việc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 4 tới./.

VOV


Lượt xem: 35

Trả lời