Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối hôm qua bắt đầu chuyến thăm các quần đảo nằm ở phía Nam Thái Bình Dương đang và từng là lãnh thổ thuộc Pháp là Nouvelle-Calédonie, Vanuatu và Papua New Guinea để thúc đẩy liên kết kinh tế, chính trị cũng như khẳng định vai trò của Pháp tại châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có chặng dừng chân đầu tiên tại lãnh thổ hải ngoại của Pháp Nouvelle-Calédonie. Tại đây, ông Macron ưu tiên giải quyết các khó khăn về kinh tế sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy vấn đề sinh thái và nhất là quy chế chính trị cho lãnh thổ hải ngoại này.
Những năm gần, quan hệ giữa chính quyền trung ương Pháp với lãnh thổ hải ngoại Nouvelle-Calédonie luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Quần đảo này đã liên tiếp 3 lần tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập và nhiều khả năng một cuộc trưng cầu dân ý với mong muốn tách khỏi nước Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2024.
Trước khi lên đường đến Nouvelle-Calédonie, Tổng thống Macron đã tiến hành cải tổ nội cách và đưa ra các ưu tiên giải quyết các vấn đề y tế và giáo dục với mục tiêu hoà giải và gắn kết lại nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc do cải cách hưu trí và các vụ bạo loạn mới đây.
Hai chặng dừng chân tiếp theo của người đứng đầu nước Pháp đều là những quốc đảo từng là thuộc địa cũ là Vanuatu và Papouasie-Nouvelle-Guinée (Papua New Guinea). Đây được đánh giá là những chuyến đi lịch sử bởi ông Emmanuel Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm hai quốc gia này kể từ khi độc lập, tách khỏi Pháp.
Tổng thống Macron sẽ có các phát biểu tái khẳng định cam kết của Pháp tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, mong muốn Pháp trở thành lựa chọn thay thế trước sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ – Trung ngày càng gay gắt tại khu vực. Pháp nắm giữ vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, với hơn 11 triệu km2.
Theo dự kiến, Pháp sẽ ký một số thoả thuận hợp tác và an ninh với Vanuatu cũng như hướng tới mối quan hệ đối tác về đầu tư và quốc phòng với Papouasie-Nouvelle-Guinée bên cạnh ưu tiên trong vấn đề chống biến khí hậu.
Trong phiên bản cập nhật của Chiến lược Ấn Ðộ Dương – Thái Bình Dương tháng 2/2022, Pháp đã cam kết tăng cường quan hệ với các đảo tại khu vực dựa trên các đòn bảy kinh tế, văn hoá và môi trường để đảm bảo lợi ích do 60% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp là ở Thái Bình Dương.
Lượt xem: 1