Đức triển khai quân đội thường trực tại Litva, đẩy mối quan hệ Nga – NATO lên một nấc thang căng thẳng mới

Cập nhật 10/4/2024, 06:04:00

Ngày 8/4, Đức đã chính thức bắt đầu triển khai quân thường trực đến đồn trú lâu dài tại Litva.

Đức triển khai quân đội thường trực tại Litva, đẩy mối quan hệ Nga - NATO lên một nấc thang căng thẳng mới

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên quân đội Đức đóng quân thường trực ở nước ngoài kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và được xem là sự thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của Berlin.

Tại buổi lễ chào đón, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas miêu tả sự hiện diện của các binh sĩ Đức tại đây là một quyết định lịch sử đối với cả Litva và Đức.

Việc triển khai dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 binh sĩ vào cuối năm 2024. Các căn cứ sẽ bao gồm những khu tập trận quân sự cũng như nhà ở, trường học và cơ sở thể thao cho các binh sĩ và gia đình họ. Dự kiến, quân đội Đức sẽ xây dựng hai căn cứ – một ở bên ngoài thủ đô Litva và một bên ngoài thành phố Kaunas. Các căn cứ sẽ đi vào hoạt động với sức chứa 5.000 quân nhân vào năm 2027.

Việc quân đội Đức đóng quân luân phiên tại Litva như một phần hoạt động triển khai hiện diện được tăng cường của NATO.

Đức triển khai quân đội thường trực tại Litva, đẩy mối quan hệ Nga - NATO lên một nấc thang căng thẳng mới - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Litva Gitanas Nausėda (Ảnh: LRT)

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên quân đội Đức đồn trú lâu dài bên ngoài lãnh thổ. Đó là ngày quan trọng đối với NATO và khả năng phòng thủ của liên minh”.

Phản ứng về động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo kế hoạch triển khai quân đội thường trực của Đức tại Litva sẽ khiến căng thẳng leo thang và điều này sẽ khiến Moscow phải có các biện pháp đặc biệt để đảm bảo an ninh.

Litva nói riêng và 3 nước Baltic nói chung từ 10 năm nay vẫn được coi là những vị trí dễ bị tổn thương nhất trong số các quốc gia NATO do vị trí địa lý và lịch sử có nhiều điểm tương đồng với Ukraine. Sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, vào năm 2017, NATO đã tạo lập 4 phái bộ chiến thuật ở sườn Đông, trong đó có một đóng tại Litva do Đức đứng đầu, bao gồm 3.700 quân nhân Đức, Bỉ, CZech, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Mỹ. Lực lượng khá mỏng này được xác định là không đủ nhiều để đối phó với một cuộc tấn công vào Litva. Vai trò chủ yếu của các phái bộ là thể hiện cam kết bảo vệ đồng minh và nhất là sự hiện diện này có vai trò răn đe, làm cho đối phương e ngại tấn công.

Litva có đường biên giáp với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, cũng là nơi đặt trụ sở Hạm đội Baltic của Hải quân Nga. Nước này cũng tiếp giáp Belarus – một đồng minh thân cận của Nga. Quân đội Đức cho rằng điều này khiến Litva trở thành quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở sườn phía Đông của NATO. NATO hy vọng hoạt động đồn trú của quân đội Đức sẽ bảo vệ Litva trước các mối đe dọa.

Đức triển khai quân đội thường trực tại Litva, đẩy mối quan hệ Nga - NATO lên một nấc thang căng thẳng mới - Ảnh 2.

Lữ đoàn quân Đức đến Litva (Ảnh: Armed Forces)

Việc Đức triển khai quân đến Litva và sẽ thành lập căn cứ quân sự tại đây vào năm 2027 đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Nga. Người phát ngôn Điện Kremly Dmitry Peskov cho rằng điều này là sự tiếp tục leo thang căng thẳng, tạo ra mối nguy hiểm gần biên giới Nga và đòi hỏi Moscow phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đảm bảo an ninh.

Nhiều chuyên gia Nga cũng nhìn nhận việc Đức đưa quân đến vùng Baltic không chỉ tạo ra một vòng căng thẳng mới giữa Đức và Nga mà còn vi phạm tất cả các thỏa thuận trước đó giữa Berlin và Moscow.

Trước đó, Điện Kremly nhận định mối quan hệ với NATO đang ở mức đối đầu trực tiếp và tuyên bố tăng cường an ninh theo các hướng chiến lược. Nga đã thành lập 2 nhóm lực lượng khu vực chiến lược gồm quân khu Leningrad và Moscow trong bối cảnh tiềm năng quân sự của NATO gần biên giới Nga được tăng cường.

Tổng thống Nga Putin nhiều lần nhấn mạnh Nga không gây chiến với NATO, không phải Nga đang tiến tới biên giới của các nước NATO mà là họ đã đến gần Nga. Nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo nếu xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO nổ ra, thế giới sẽ cận kề Thế chiến III.

Có thể nói việc Đức triển khai quân đội đồn trú Litva sẽ tác động mạnh mẽ đến tình hình an ninh khu vực. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy cam kết của Đức đối với NATO và an ninh của các nước thành viên, giúp liên minh tăng cường khả năng phòng thủ. Tuy nhiên, nó cũng đẩy mối quan hệ Nga – NATO lên một nấc thang căng thẳng mới. Động thái này cũng có khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và leo thang quân sự trong khu vực.

Theo VTV


Lượt xem: 4

Trả lời