Đảo chính ở Kyrgyzstan thành điểm nóng, cộng đồng quốc tế vẫn đứng ngoài?

Cập nhật 21/10/2020, 14:10:32

Đảo chính ở Kyrgyzstan thành điểm nóng, cộng đồng quốc tế vẫn đứng ngoài?

Phần lớn các phản ứng hiện nay mới chỉ dừng lại ở những tuyên bố mà chưa có hành động cụ thể nào để giúp ổn định tình hình tại Kyrgyzstan vốn còn nhiều rối ren. Kyrgyzstan trải qua hơn hai tuần hỗn loạn kể từ ngày đầu tiên xảy ra các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử quốc hội đầu tháng 10 vừa qua. Trước áp lực của phe đối lập, các lãnh đạo cấp cao nhất của Kyrgyzstan gồm Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng và gần đây nhất là Tổng thống đã lần lượt đệ đơn từ chức. Quyền lực nhanh chóng được chuyển cho phe đối lập, đứng đầu là tân Thủ tướng, quyền Tổng thống Sadyr Saparov.

Cuộc bạo loạn xuất phát từ mâu thuẫn tranh giành nội bộ, diễn biến nhanh và đã vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền, dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống quản lý nhà nước.

Từ khi xảy ra cuộc bạo loạn đến nay, cộng đồng quốc tế coi đây là vấn đề nội bộ Kyrgyzstan và hy vọng chính quyền sớm ổn định tình hình. Tuy nhiên, với các nguồn lực nội tại hiện có, cũng như lịch sử tranh giành quyền lực Kyrgyzstan thì chính quyền khó có khả năng ổn định tình hình trong thời gian ngắn. Tình trạng hỗn loạn tiếp tục diễn ra dẫn tới hệ quả khó tránh khỏi là suy thoái của tất cả các thông số kinh tế, xã hội trong nước, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho khu vực.

Vậy cơ chế nào có thể giúp nước này sớm giải quyết được các mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị, hoặc ít nhất là giảm nguồn cơn thịnh nộ của người biểu tình để tạm thời ổn định tình hình. Theo giới chuyên gia, xét trên nhiều khía cạnh thì Nga và Trung Quốc “sốt sắng” hơn cả bởi Nga có căn cứ quân sự Kant ở nước này và có quan hệ chiến lược với Kyrgyzstan, còn Trung Quốc là láng giềng và là nhà đầu tư lớn nhất với hàng trăm triệu USD vào Kyrgyzstan. Bishkek cũng là thành viên của các tổ chức khu vực theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc như Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Nga không chủ trương can thiệp, song không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi môi trường xung quanh bất ổn không thuận lợi cho Nga vốn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước. Để ngăn chặn kịch bản xấu, Nga đã ngừng hỗ trợ kinh tế cho Kyrgyzstan với thông điệp nếu các nhà chính trị, phe phái chính trị không ngồi vào bàn đàm phán và thiết lập lại trật tự, thì sẽ không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nga, về thị trường lao động, kinh doanh và đầu tư từ Nga.

Với sự thay đổi về lãnh đạo, đường lối đối ngoại của Kyrgyzstan không tránh khỏi những ngờ vực. Đối với Nga, khó để dự đoán quan hệ giữa Nga và Kyrgyzstan sẽ phát triển như thế nào sau khi thay đổi quyền lực. Mặc dù vậy, Nga khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính phủ hợp pháp của Kyrgyzstan. Sau sự rút lui của Tổng thống Jeenbekov, Nga bày tỏ hy vọng tình hình Kyrgyzstan sớm ổn định “trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp quốc gia”. Đồng thời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Moscow là đối tác chiến lược và đồng minh của Kyrgyzstan. Nga đã và sẽ tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho việc này. Sự hỗ trợ của Nga có thể với tư cách là đại diện cho các tổ chức khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng, điều này giúp Nga tránh khỏi những rắc rối có thể bị phương Tây “gắn mác” là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Nga có thể tổ chức tham vấn với các nước láng giềng của Kyrgyzstan, đặc biệt là Trung Quốc. Ngoài ra, các nguồn lực của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Kyrgyzstan là thành viên cũng có thể được cân nhắc để sử dụng trong trường hợp cần thiết, tránh nguy cơ gây bất lợi cho cả Nga và Trung Quốc.

Theo nhà khoa học chính trị Vladimir Yevseev, “tính hợp pháp của các nhà lãnh đạo mới của Kyrgyzstan sẽ phụ thuộc vào sự công nhận của các quốc gia khác và điều quan trọng là sự công nhận từ phía Nga”.

Để có được sự công nhận này có lẽ cần phải chờ đợi đến sớm nhất là đầu năm 2021 khi nước này tổ chức bầu cử quốc hội dự kiến vào ngày 17/12/2020 và cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra sau đó 1 tháng./.

Theo VOV


Lượt xem: 26

Trả lời