Chính phủ Pháp vượt qua vòng bỏ phiếu tín nhiệm trong gang tấc

Cập nhật 13/5/2016, 13:05:21

Ngày 12/5, Chính phủ Pháp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm theo kiến nghị của phe đối lập.

Phe cánh hữu đối lập không giành được số phiếu quá bán tại Quốc hội để có thể lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls. Chỉ có 246 nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý với đệ trình bất tín nhiệm đối với Chính phủ Pháp của Thủ tướng Manuel Valls do các đảng cánh hữu đối lập là Những người Cộng hòa (LR) và Liên minh dân chủ độc lập (UDI) đưa ra.

 

chinh phu phap vuot qua vong bo phieu tin nhiem trong gang tac hinh 0
Thủ tướng Pháp Manuel Valls. Ảnh AFP

 

Con số này kém xa số phiếu ít nhất là 288 mà phe cánh hữu cần phải có nếu muốn trừng phạt Chính phủ của ông Valls vì đã sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật Lao động El Khomri mà không cần đến việc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng con số 246 là quá cao, đặt ra dấu hỏi về sự ủng hộ của các nghị sỹ tại Quốc hội đối với Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls.

 
 

 

Vượt qua “vòng” Quốc hội

Kết quả này không bất ngờ bởi trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các nhà phân tích chính trị Pháp đều nhận định khả năng Chính phủ của Thủ tướng Valls bị bãi nhiệm là rất thấp, thậm chí gần như không có, bởi tổng số các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt không thể đạt con số 288.

Cụ thể, toàn bộ các nghị sĩ của Đảng LR (196) và gần như toàn bộ nghị sĩ của UDI (27 trên 30) đã bỏ phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm. Con số còn lại đến từ các đảng khác như Mặt trận cánh tả (FdG), Đảng Xanh (EELV) hay Mặt trận quốc gia (FN).

Với việc cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thất bại tại Quốc hội, giờ đây dự luật Lao động El Khomri coi như đã vượt qua “vòng” Quốc hội và sẽ được chuyển tiếp lên xem xét tại Thượng viện Pháp và gần như chắc chắn sẽ sớm được ban hành.

Liệu sức ép từ biểu tình có “lật ngược tình thế”?

Điều mà nhiều người chờ đợi là liệu sức ép sắp tới từ các cuộc biểu tình của các công đoàn lao động có thể lật ngược tình thế, buộc Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls rút lại, thậm chí từ bỏ hoàn toàn Luật lao động mới hay không?

Ngay trong ngày 12/5, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn nước Pháp, thu hút khoảng 55.000 người, nhằm phản đối việc Chính phủ sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua Luật lao động. Một vài đụng độ nhỏ đã xảy ra tại Nantes và Paris nhưng cảnh sát Pháp cho biết đã kiểm soát tốt tình hình.

Nhằm gia tăng sức ép lên Chính phủ Pháp, các công đoàn lớn như CGT, FO, FSU… đang kêu gọi gia tăng quy mô các cuộc biểu tình để thực hiện 2 cuộc biểu tình lớn vào ngày 17 và 19/5 tới.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích Pháp, các cuộc biểu tình chống lại dự luật Lao động đang có biểu hiện yếu đi rõ rệt và con số người biểu tình tham gia các cuộc xuống đường gần đây ngày càng ít đi, từ 390.000 ngày 31/3 xuống 170.000 ngày 28/4 và chỉ có 84.000 ngày 1/5 là ngày Quốc tế lao động.

Lần cuối cùng sức ép từ các cuộc biểu tình buộc một chính phủ Pháp từ bỏ một dự luật đã cách đây 10 năm, vào năm 2006 khi Tổng thống Pháp khi đó là Jacques Chirac đã phải ký ban hành một dự luật nhưng lại tuyên bố không áp dụng. Từ thời điểm đó, dưới thời các Tổng thống Nicolas Sarkozy và Francois Hollande, chưa một dự luật nào của Chính phủ phải từ bỏ từ sức ép biểu tình.

Khả năng một cuộc thanh lọc nội bộ đảng cầm quyền

Chính vì điều này nhiều chuyên gia chính trị Pháp cho rằng, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Hollande và Đảng Xã hội sẽ ưu tiên tập trung thanh lọc nội bộ và trừng phạt nặng những nghị sĩ của đảng này đã tham gia trong ý định bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ của ông Valls.

Điều này có nguy cơ đẩy Đảng Xã hội vào sâu hơn trong các mâu thuẫn nội bộ và có thể làm cánh tả tan rã nhanh chóng hơn, trong bối cảnh từ hơn 1 năm nay đã tồn tại một lực lượng “nổi loạn” trong nội bộ cánh tả vì bất mãn với cách điều hành của chính quyền ông Hollande./.

VOV


Lượt xem: 50

Trả lời