Các nước vẫn loay hoay ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật 07/9/2021, 07:09:55

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry công du Nhật Bản và Trung Quốc, trọng tâm là thúc đẩy hợp tác các nước lớn ứng phó biến đổi khí hậu.

Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản hiện là ba trong 5 quốc gia xả thải carbon nhiều nhất thế giới.

Ông Toshimitsu Motegi – Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản khẳng định: “Hướng tới Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 sắp tới và xa hơn nữa, cùng với Mỹ, chúng tôi muốn dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thế giới không carbon”.

Ông John Kerry – Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu nói: “Thách thức về biến đổi khí hậu cũng lớn như bất kỳ thách thức toàn cầu nào mà chúng ta phải đối mặt. Và Trung Quốc, bạn của tôi, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng”.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức vào tháng 4, hợp tác toàn cầu, nhất là vai trò các nước phát thải nhiều nhất, đã liên tiếp được nhấn mạnh.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu: “Các nhà lãnh đạo ở mọi nơi phải hành động. Thứ nhất, bằng cách xây dựng một liên minh toàn cầu về không phát thải carbon vào giữa thế kỷ này. Thứ hai, bằng cách biến đây trở thành một thập kỷ biến đổi. Tất cả các quốc gia – bắt đầu với các nước phát thải lớn – nên đệ trình các đóng góp mới và tham vọng hơn do quốc gia quyết định để giảm thiểu, thích ứng và tài chính, đưa ra các hành động và chính sách trong 10 năm tới phù hợp với lộ trình không phát thải khí carbon vào năm 2050. Thứ ba, chúng ta cần chuyển những cam kết đó thành hành động cụ thể, ngay lập tức”.

Các nước vẫn loay hoay ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Những vấn đề toàn cầu thì cần các giải pháp toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, các nước vẫn loay hoay trong việc nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu. Lộ trình cắt giảm khí thải vẫn còn nhiều điểm khác nhau. Nếu nhiều nước xác định trung hòa khí carbon vào năm 2050 thì Trung Quốc, nước xả thải hàng đầu thế giới, xác định mục tiêu này vào năm 2060.

Các nước cũng có những chuyển đổi khác nhau về năng lượng trong bối cảnh các mục tiêu trung hòa khí thải đang đến gần; tuy nhiên, Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than.Và như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã nói, mẹ thiên nhiên thì không thể chờ đợi. Con người vẫn đang ngày càng hứng chịu các thảm họa tự nhiên với tần suất nhiều hơn, nặng nề hơn; các nỗ lực toàn cầu vì thế đòi hỏi phải nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Bà Christiana Figueres – Đối tác sáng lập tổ chức Global Optimism cho rằng: “Chúng ta có thể thực hiện được mọi thứ nhằm tránh những tác động theo cấp số nhân của biến đổi khí hậu, nhưng điều đó phụ thuộc vào các giải pháp được thực hiện nhanh hơn theo cấp số nhân”.

Nhiều tác động từ biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược nhưng một tương lai phía trước vẫn có thể được đảm bảo. Các nhà hoạt động khí hậu đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần xem xét biến đổi khí hậu như một cuộc khủng hoảng thực sự để tìm cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Nâng cao nhận thức, thay đổi chính sách, áp dụng khoa học công nghệ, biến cam kết thành hành động là điều mà các quốc gia cần khẩn trương thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu. Và Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP 26 vào tháng 11 đang được chờ đợi sẽ đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Theo VTV


Lượt xem: 11

Trả lời