Brexit: Anh- EU bước vào những cuộc đàm phán cuối cùng

Cập nhật 18/2/2016, 08:02:02

Ngày 18/2, lãnh đạo 28 nước thành viên sẽ nhóm họp tại Brusels, Bỉ, với 1 trong các nội dung chính là việc đi hay ở lại EU của nước Anh.

Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang trong những cuộc đàm phán có thể xem là cơ hội cuối cùng để tránh kịch bản nước Anh phải rời khỏi Liên minh châu Âu. Ngày 18/2, lãnh đạo 28 nước thành viên sẽ nhóm họp tại Brusels, Bỉ, với một trong những nội dung chính của chương trình nghị sự là việc đi hay ở trong khối của nước Anh. 

Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sự đi hay ở của nước Anh trong Liên minh châu Âu trước năm 2017. Ông Cameron hi vọng có thể đạt được một thỏa hiệp với EU ngay tại Hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm của khối khai mạc vào ngày 18/2 tại thủ đô Brusels, Bỉ, để nước này có thể tổ chức trưng cầu ý dân ngay trong tháng 6 tới. 

brexit: anh- eu buoc vao nhung cuoc dam phan cuoi cung hinh 0
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (Ảnh AFP).
Tuy nhiên, hiện Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa thể đạt được nhất trí về những yêu cầu cải cách mà nước Anh đưa ra. Một số nghị sĩ châu Âu cho rằng, những yêu cầu cải cách của Thủ tướng Cameron đã đi quá xa. Trước đó, hôm 2/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đưa ra một bản thỏa thuận, mang tính tham khảo để trả lời cho những  yêu cầu của nước Anh, song rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ từ vấn đề nhập cư, tới quyền tự quyết chính trị hay quản trị kinh tế.

Tuy  nhiên, trước thềm cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu đều tỏ ý không muốn nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã từ chối đề cập tới khả năng một sự thất bại của các cuộc đàm phán. Theo ông, Liên minh châu Âu không có kế hoạch B. Nước Anh sẽ ở lại Liên minh châu Âu và sẽ là một thành viên tích cực và mang tính xây dựng của khối.

Ông Jean-Claude Juncker nói: “Tôi nghĩ rằng bản dự thảo thỏa thuận mà chủ tịch Hội đồng châu Âu đưa ra hồi đầu tháng 2 là đáp ứng các yêu cầu chính của Anh. Đây là một thỏa thuận công bằng cho nước Anh và công bằng cho 27 quốc gia thành viên khác”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từ cuối tuần trước đã có chuyến công du khắp các nước thành viên Liên minh châu Âu, trong nỗ lực thống nhất lập trường  của các nước thành viên, nhất là các nước Trung và Đông Âu. Theo ông, các cuộc đàm phán nhằm giữ Anh ở lại EU đang ở "thời điểm quyết định” và hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu lần này sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tương lai của khối liên minh 28 nước thành viên này.

Ông Tusk nói: "Các cuộc đàm phán đang bước vào thời điểm quan trọng. Đây là lúc chúng ta phải lắng nghe nhau chứ không phải là làm theo cách riêng của mình. Nguy cơ đàm phán đổ vỡ là có thực và do đó các cuộc thương lượng cần phải được xử lý hết sức khéo léo.”

Trong khi đó, Pháp, quốc gia được xem là cứng rắn nhất trong vấn đề này cũng cho rằng, có một thiện chí để đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu để ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU, dù thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề quản trị kinh tế.

Việc nước Anh muốn thay đổi tư cách thành viên EU của mình trong thời gian qua đã tạo thêm phần bất ổn cho khối này, trong khi nhiều nước thành viên còn đang phải vất vả đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng, cuối cùng Anh và EU sẽ đạt được một sự thỏa hiệp để tránh phải đối mặt với những cú sốc mới, song vấn đề là các bên sẽ nhượng bộ đến đâu và nhượng bộ như thế nào./.

VOV


Lượt xem: 21

Trả lời