100 ngày xung đột đẫm máu tại Sudan, tình hình chưa được cải thiện

Cập nhật 24/7/2023, 08:07:52

Hôm nay (23/7), tròn 100 ngày bùng phát cuộc xung đột đẫm máu tại Sudan, quốc gia châu Phi nghèo đói và liên tục chìm trong bất ổn từ nhiều thập niên qua.

Bất chấp nhiều nỗ lực trung gian quốc tế đã được tiến hành, chiến sự chẳng những không suy giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng và lan rộng thành một cuộc nội chiến đẫm máu nguy hiểm.

Xung đột giữa quân đội quốc gia Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bùng phát ngày 15/4 và đến nay đã bước sang ngày thứ 100. Hơn 3 tháng chiến sự, cuộc xung đột đã cướp đi mạng sống của gần 2.000 người, chủ yếu là dân thường, khiến hơn 2,5 triệu người phải đi lánh nạn, trong đó khoảng 750.000 người chạy sang các nước láng giềng tỵ nạn. Chiến sự còn phá hủy hàng nghìn công trình nhà ở, đường sá, trường học, bệnh viện…, gây ra tình trạng mất điện, thiếu nước sinh hoạt, thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Thủ đô Khartoum, bang Omdurman cùng hai bang Nam và Bắc Kordufan là những địa phương xảy ra chiến sự ác liệt nhất khi giao tranh có sự tham gia của cả máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo hạng nặng… cùng hàng chục nghìn binh sỹ của cả hai bên. Ngày 22/7, Công tố viên Tòa án hình sự quốc tế (ICC) Karim Asad Ahmad Khan khẳng định hành vi phạm tội ác chiến tranh đang xảy ra trên khắp đất nước Sudan.

Trước sức ép quốc tế và dưới sự trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình tại Jeddah (Saudi Arabia) và đạt được một số lệnh ngừng bắn ngắn ngày. Tuy nhiên, tất cả các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ và cả hai bên đổ lỗi cho đối phương đã vi phạm lệnh ngừng bắn trước.

Trong khi đó, nhiều nguồn tin khu vực khẳng định, ngày càng nhiều quốc gia và tổ chức bên ngoài tham gia và can dự sâu hơn vào cuộc xung đột, khiến cho cục diện chiến trường cũng như khả năng đạt được thỏa hiệp trong đàm phán giữa hai bên đối địch chính trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), các quốc gia láng giềng cùng nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế…, liên tiếp hối thúc các bên liên quan và có ảnh hưởng trong cuộc xung đột lập tức thực hiện ngừng bắn, mở đường cho đối thoại chính trị để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng, tránh một kịch bản tồi tệ hoàn toàn có nguy cơ xảy ra là xung đột leo thang thành nội chiến đẫm máu với những hậu quả khôn lường đối với toàn khu vực.


Lượt xem: 1

Trả lời