Xây dựng và phát triển HTX kiểu mới ở thị xã An Khê

Cập nhật 12/1/2018, 07:01:34

Phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) là xu hướng tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện việc chuyển đổi mô hình kinh tế HTX theo Luật HTX năm 2012, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Gia Lai có 127 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong đó có 83 HTX nông nghiệp. Tiềm năng đất đai thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, thế nhưng người nông dân hiện nay lại đang khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trước thực tế này, việc tham gia vào HTX sẽ giúp người dân sản xuất một cách tập trung, đồng thời sẽ có thêm sự hỗ trợ từ tổ chức HTX trong vấn đề tìm kiếm thị trường cho đầu ra của sản phẩm; đảm bảo lợi ích chung. PS được thực hiện tại thị xã An Khê.

HTX Cửu An 1 (xã Cửu An) được thành lập từ năm 1982, sau đó đến năm 1997 thì thực hiện chuyển đổi và chính thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012 vào tháng 6/2016. Với mục tiêu đặt ra ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động đó là tất cả vì quyền lợi của các thành viên và lợi ích chung của tập thể, số lượng thành viên của HTX tăng qua từng năm và hiện đã lên đến con số 404 xã viên. Tập trung vào khai thác diện tích mặt nước ao hồ để nuôi cá, rồi trồng thuốc lá, cây ăn trái và 167 ha lúa của các thành viên HTX; hiệu quả mang lại đã giúp các thành viên HTX ngày càng gắn kết.

Anh Văn Ngọc Bằng – Giám đốc HTX Cửu An 1, xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Tham gia HTX thì nói chung là được rất nhiều quyền lợi. Ví dụ như 1 dịch vụ của thủy lợi, mình cung ứng cho xã viên thì mình thu khoảng 50 nhưng ở bên ngoài, không phải xã viên thì mình có thể thu 70, hoặc 80, hoặc theo thỏa thuận, đó là về thủy lợi. Còn các dịch vụ khác thì người ta hình thành 1 cụm, 1 nhóm, người ta sẽ học hỏi kinh nghiệm rồi tìm đầu ra; hoặc đầu vào của sản xuất thì người ta tập trung vốn lại để mà mua thì giá cũng rẻ hơn 1 người làm bên ngoài”.

Thành lập và chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động của các HTX trên địa bàn thị xã An Khê đã có những thuận lợi hơn so với Luật HTX năm 2003; từ đó tổng thu của các HTX cũng như thu nhập bình quân của các thành viên tăng dần qua các năm. Nếu như thời điểm năm 2013, thu nhập bình quân của thành viên HTX trên địa bàn thị xã là hơn 17 triệu đồng/năm, thì đến năm 2016 là hơn 21 triệu đồng/năm; và đến nay là 30 triệu đồng/năm. Thế nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, những khó khăn trong hoạt động của các HTX ở địa phương so với trước đây vẫn còn; và đây cũng là bài toán đặt ra cho các HTX trong xu thế phát triển của nền kinh tế thị

Anh Lê Văn Biên – HTX Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Nói chung các xã viên mới vô thì cũng chưa hiểu HTX là gì, người ta bị thành kiến HTX hồi xưa. HTX đang cần 1 quỹ đất 4-5ha tại vì các xã viên vô đều muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Con người có, tiền có, nhân lực có nhưng mà đầu ra không có, kỹ thuật không có thì đó cũng là khó khăn”.

Ông Trần Văn Thọ – Phụ trách HTX phòng Kinh tế thị xã An Khê, Gia Lai  cũng nêu: “Theo tôi nghĩ thì cũng sẽ tiếp tục đề xuất với lãnh đạo tiếp tục tuyên truyền vận động các cấp, các ngành và nhân dân hiểu được vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, nhất là HTX. Thứ 2 nữa là đề nghị các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các chính sách, chủ trương của Đảng về hỗ trợ phát triển kinh tế HTX”.

Năm 2017, thị xã An Khê đã thành lập mới được 05 HTX và tất cả đều là HTX nông nghiệp. Đây sẽ là thuận lợi cho hoạt động của các HTX ở một địa phương mà sản xuất nông nghiệp hiện đang là chủ lực như An Khê; đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung của tỉnh Gia Lai trong định hướng phát triển HTX kiểu mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 703 của UBND tỉnh, với khoảng 126 HTX nông nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên để làm được điều này thì việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý HTX là điều quan trọng./.

Mỹ Tiến, R’Piên

 

 


Lượt xem: 92

Trả lời