Xã Gào – Nơi ghi dấu những chiến công cách mạng

Cập nhật 14/3/2019, 11:03:45

Nằm gần chân núi Hàm Rồng, xã Gào được xem là trung tâm cao nguyên bazan Pleiku, nơi bắt nguồn của nhiều dòng suối trong vùng. Phía Đông Nam xã là nơi giao cắt giữa Quốc lộ 19 đi Campuchia và Quốc lộ 14 đi các tỉnh phía Nam. Với vị trí này, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã Gào luôn là địa bàn xung yếu và là nơi đứng chân của lực lượng cách mạng, qua đó góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng giải phóng Gia Lai ngày 17/3 cách đây tròn 44 năm. Ngày nay, xã Gào đã có nhiều thay đổi nhưng mảnh đất này vẫn là nơi ghi dấu những chiến công cách mạng.

Cây đa, hầm đá, tại làng C, xã Gào, thành phố Pleiku đã từng là  địa bàn căn cứ kháng chiến Khu 9 (nay là Đảng bộ thành phố Pleiku) trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968. Với địa hình hiểm trở, rừng rậm bao phủ và hầm đá là nơi trú ẩn an toàn cho các cán bộ, chiến sĩ.  Từ đây, Ban Cán sự Khu 9, nắm bắt tình hình, chuẩn bị lực lượng và  quyết định những chủ trương, chỉ đạo kháng chiến. Cùng với đó, nhờ vào tinh thần đoàn kết của quân và dân địa phương, xã Gào đã  vượt qua mọi hy sinh gian khổ để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Ông Rơmah Djói – Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gào, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết: “Trước đây tôi tham gia để liên lạc, bảo vệ cho các đồng chí: Lê Tiến Hồng, Ksor Ní; Tô Tử Đông,…Các đồng chí ở đây chỉ đạo đánh địch. Địch càn quét thì núp vào hầm. Tôi cũng đã từng bị  bắt, sau được trả về, địch tra tấn nhưng quyết tâm theo Đảng.”

Trong những năm tháng kháng chiến, người dân xã Gào luôn một lòng theo Đảng. Tại xã, địch đã xây dựng được ấp chiến lược, dồn dân tập trung khoảng 2000 đến 3000 dân. Bên trong là bộ máy kìm kẹp,  nhưng người dân vẫn đấu tranh quyết liệt. Còn ở một số làng, địch không thể lập ấp chiến lược, người dân  luôn giữ vững tinh thần  thủy chung cách mạng,  nuôi dưỡng, che dấu bảo vệ cán bộ, bộ đội.

Bà Rơmah Boch – Làng C, xã Gào, thành phố Pleiku, Gia Lai cũng kể lại:  “Trước đây làng A, làng B bị dồn dân, làng mình không bị nên người dân ở đây đi rẫy làm lúa nuôi cán bộ, bộ đội. Bà con trong làng đoàn kết lắm.”

Xã Gào là nơi truyền thống cách mạng đã được phát huy và giữ vững. Từ sự giác ngộ cao, lòng yêu nước bất khuất, phẩm chất chính trị của nhân dân ngày càng vững vàng qua các trận đánh với kẻ thù. Đó cũng chính là nền tảng để người dân xã Gào tiếp tục phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ khi đất nước được hòa bình.

Ông Trần Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Gào, thành phố Pleiku, Gia Lai cho biết:  “Được sự quan tâm của Thành ủy Pleiku đã có nghị quyết 03 về phát triển toàn diện xã Gào, cán bộ, nhân dân triển khai nghị quyết rất có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và tiếp tục thực hiện các tiêu chí nâng cao.”

Với những đóng góp và những thành tích đã giành được, Đảng bộ, nhân dân xã Gào, thành phố Pleiku xứng đáng được Chính phủ tuyên dương Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Ban An ninh xã Gào năm 1976 và Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Dân quân du kích xã vào ngày 6/11/1978. Giờ đây khi đất nước hòa bình, thống nhất đã được 44 năm, cùng với sự quan tâm của tỉnh, thành phố, xã Gào được đầu tư kết cấu hạ tầng,  đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho việc hình thành nền sản xuất mới, kinh tế – xã hội có những chuyển biến tích cực. Bức tranh nông thôn vùng căn cứ kháng chiến cách mạng Khu 9 đang dần thay da đổi thịt, cùng thành phố Pleiku tiến theo nhịp phát triển chung của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo./.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 560

Trả lời