Việc đầu tư xây dựng cánh đồng mía lớn còn nhiều vướng mắc

Cập nhật 01/1/2017, 07:01:16

Thông qua cánh đồng lớn, việc tổ chức sản xuất mía thực hiện khép kín theo chuỗi giá trị, quản lý từ khâu làm đất, trồng mía chăm sóc cho đến thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, giải quyết được vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất, nông dân trồng mía và doanh nghiệp đều được lợi.  Tuy nhiên từ thực tế cho thấy, vấn đề xây dựng cánh đồng mía lớn còn nhiều vướng mắc tồn tại.

Qua thực tế sản xuất đã chứng minh, để sản xuất mía đường của tỉnh phát triển  bền vững thì điều kiện tiên quyết và bắt buộc là phải xây dựng cánh đồng mía lớn. Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, nhà máy, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 608 hộ trồng mía tham gia hình thành 120 cánh đồng mía lớn với diện tích trên 2.086 ha chiếm 5,4% diện tích mía toàn tỉnh… Trong đó Nhà máy đường An Khê xây dựng 113 cánh đồng mía lớn với diện trên 2.029 ha; Nhà máy đường Ayun Pa xây dựng được 7 cánh đồng mía lớn với diện tích 53 ha. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác dồn điền đổi thửa gặp khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; một bộ phận nông dân còn tư tưởng ỷ lại; tổ chức đại diện nông dân chưa phát huy vai trò cầu nối giữa nông dân với nhà máy; quá trình tiêu thụ mía nguyên liệu còn nhiều hạn chế… Do đó, để phát triển cánh đồng mía lớn một cách hiệu quả đòi hỏi có sự chuyển đổi căn bản, toàn diện và cần những xúc tác mạnh mẽ từ cơ chế, chính sách đồng bộ của tỉnh, các địa phương trồng mía và của cả các nhà máy, doanh nghiệp. Có như vậy thì mới thực hiện có hiệu quả việc nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân trồng mía trong tỉnh../.

Lê Thư, Thanh Sáng


Lượt xem: 20

Trả lời