UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá mức độ chính quyền điện tử tại cơ quan hành chính Nhà nước và các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính

Cập nhật 03/7/2019, 17:07:34

Sáng ngày 3/7, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến đánh giá mức độ chính quyền điện tử (CQĐT) tại các cơ quan hành chính Nhà nước và các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính (CCHC). Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Tại 17 điểm cầu cấp huyện có đại diện lãnh đạo huyện, thị xã, thành phố, các phòng, ban chuyên môn.

Đây là năm đầu tiên tỉnh Gia Lai tiến hành đánh giá, xếp hạng mức độ CQĐT theo bộ tiêu chí chung do Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh ban hành. Mức độ CQĐT được đánh giá theo các nội dung: Điều kiện sẵn sàng cho chính quyền điện tử, kết quả CQĐT với 4 mức: I, II, III, IV. Theo đó, đối với cấp Sở: có 2 đơn vị đạt mức I (chiếm 10%), 8 đơn vị đạt mức II (40%), 5 đơn vị đạt mức III (25%), 2 đơn vị đạt mức IV (10%), 3 đơn vị không xếp hạng CQĐT (15%). Đối với cấp huyện: chỉ có UBND TP. Pleiku đạt mức IV, 16/17 UBND cấp huyện còn lại không xếp hạng chính quyền điện tử. 100% UBND cấp xã không xếp hạng mức độ chính quyền điện tử. Kết quả trên cho thấy điều kiện sẵn sàng và mức độ chính quyền điện tử các cấp trên địa bàn tỉnh còn ở mức thấp.

Theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Gia Lai xếp hạng tổng thể nằm ở nhóm khá; chỉ số điểm của tỉnh năm 2018 là 0,680 xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2017). So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai xếp vị trí thứ 2, sau Lâm Đồng.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, ban ngành, địa phương cũng đã nêu ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, hạn chế trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức tìm hiểu các chỉ số trong bộ chỉ số CCHC, từ đó hiểu để hướng dẫn cho dân. Xây dựng kế hoạch đánh giá kết quả việc làm; phân công và gắn trách nhiệm đối với cán bộ làm công tác này. Khẩn trương xây dựng bộ phận một cửa tại 41 xã thuộc 3 huyện: Mang Yang, Chư Pưh và Chư Pah để triển khai sớm chính quyền điện tử; cùng với đó đưa tổng đài phục vụ hành chính công vào hoạt động để phục vụ cho nhân dân. Các sở, ban, ngành, địa phương cần tổ chức ngay việc đánh giá lại kết quả trong thực hiện CCHC, CQĐT. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông rà soát lại những nơi yếu, cán bộ làm chưa tốt về CNTT để có hướng bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động, làm việc; xây dựng kế hoạch từng bước nâng cấp hạ tầng CNTT cấp tỉnh, huyện đến xã; tập trung đưa bộ phận 1 cửa từ UBND cấp huyện về bưu điện để nâng cao CCHC. Ngoài ra chủ động công khai các thủ tục hành chính lên trang thông tin điện tử từng đơn vị và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp truy cập. Nâng cao trách nhiệm thực hiện công vụ và xây dựng các chuẩn mực về văn hóa công sở. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương còn tồn đọng nhiều hồ sơ, ảnh hưởng đến CCHC thì xây dựng ngay các tổ, Ban chỉ đạo để xử lý dứt điểm trong tháng 7 này. Nếu chậm trễ trong giải quyết thì người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh./.

Đoàn Bình,  Duy Linh

 


Lượt xem: 17

Trả lời