Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Gia Lai đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ

Cập nhật 08/3/2024, 14:03:08

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Gia Lai là đơn vị tự chủ về kinh tế, phục vụ các hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ; tham gia thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp tỉnh, cấp nhà nước. Đồng thời hỗ trợ tư vấn và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ tốt sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế của các sản phẩm của tỉnh Gia Lai.

Với mục tiêu trở thành nơi liên kết giữa các nhà quản lý – doanh nghiệp – nhà khoa học – người sản xuất cùng tổ chức các mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai đã xây dựng, đưa vào hoạt động Trại Sản xuất – Khu thực nghiệm tại phường Chi Lăng, thành phố Pleiku. Theo đó, hiện nay Trung tâm thực hiện 08 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó 03 nhiệm vụ được triển khai tại Trại Sản xuất – Khu thực nghiệm gốm: Nhiệm vụ “Xây dựng mô hình chiết xuất dịch chiết từ nấm đông trùng hạ thảo”; nhiệm vụ “Tiếp nhận và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật nhân giống cây dâu tây bằng phương pháp nuôi cấy mô, trồng cà chua cherry trên giá thể trong nhà kính áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt” và nhiệm vụ “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống dược liệu Thất diệp nhất chi hoa có nguồn gốc tại Gia Lai”. Qua đó, bảo tồn, phát triển nguyên liệu phục vụ cho nhân giống, nghiên cứu khoa học và tham quan, học tập.

 Anh Phạm Hoài Danh – Kỹ sư Trại Sản xuất – Khu Thực nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai nói: “Mô hình ở đây hiện tại chúng tôi đang trồng  2 giống Hoàng Ngân và Anfa Gold. Giống Hoàng Ngân có đặc tính là vàng, có lưới và ruột maù vàng, giống Anfa Gold có đặc tính là vàng, có lưới và ruột maù xanh. Chúng tôi chọn 2 giống này chịu lạnh, chịu nhiệt. Hiện tại cà chua thì chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ cấp cơ sở và đang nhân rộng mô hình ở  Trại Thực nghiệm này và đang có dự định sang năm tiếp tục chuyển giao mô hình trồng cà chua cho các địa phương có nhu cầu.”

Cùng với các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ các cá nhân, đơn vị, tổ chức thực hiện ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong năm 2023, Trung tâm đã phối hợp thực hiện 05 nhiệm vụ, cụ thể: Dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai”; Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chanh dây đạt tiêu chuẩn VietGAP và đảm bảo xuất khẩu trên địa bàn huyện Kbang”; xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai” và nhãn hiệu chứng nhận “Chư Păh – Gia Lai” cho các sản phẩm chủ lực của huyện Chư Păh; xây dựng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Kbang – Gia Lai”.

Ông Nguyễn Anh Thơ – Phó Trường phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Kbang trao đổi: “Phòng Kinh tế – Hạ tầng quản lý nhãn hiệu Mắc ca, đối với những hộ dân trồng, sản xuất chế biến, quảng bá sản phẩm mắc ca trên địa bàn huyện Kbang trong vùng được bảo hộ chứng nhận sản phẩm thì được sử dụng sản phẩm này. Mục tiêu nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu đến với người dân, người tiêu dùng.”

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Gia Lai đang đẩy mạnh hoạt động tư vấn, đánh giá chứng nhận VietGAP, nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức và cá nhân nhằm nâng cao giá trị nông sản. Theo đó trong năm 2023, Trung tâm đã thực hiện tư vấn, đánh giá, giám sát cho 10 tổ chức và cá nhân canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích đánh giá là 212 ha. Đồng thời tư vấn, đánh giá quá trình chuyển đổi, chứng nhận hữu cơ và đánh giá, giám sát cho 04 đơn vị đang có nhu cầu áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Nhờ đó, nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Diệp – Tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cho biết: “Trước mình làm nông nghiệp thủ công thôi, không có khoa học, công nghệ ứng dụng vào. Khi tôi tìm hiểu khoa học công nghệ thì tôi muốn ứng dụng vào để phát triển tốt hơn so với thủ công làm vất vả, bệnh tật khó kiểm soát nhưng làm theo mô hình như thế này, bệnh tật kiểm soát an toàn, ổn định hơn.Ứng dụng công nghệ, hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt, công mình bỏ ra rất ít, đầu tư ban đầu, sau đó tự động, chăm nước chăm phân.”

Thông qua các hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ được thực hiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai đã giúp nông dân tiếp cận được công nghệ, tạo cơ sở cho việc xây dựng mô hình sản xuất với năng suất cao, ổn định chất lượng. Đồng thời đồng hành cùng các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, đất đai; phát huy thế mạnh để tăng giá trị sản phẩm và đa dạng thêm các mặt hàng nông sản của tỉnh Gia Lai.

Thúy Diện – Minh Trung – Duy Linh


Lượt xem: 4

Trả lời