Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ – Cầu nối giữa công nghệ và phát triển kinh tế

Cập nhật 02/1/2019, 15:01:39

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương trên cả nước tăng cường thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả lao động. Tại Gia Lai, từ những kết quả nghiên cứu công nghệ được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) chuyển giao, đã giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác cũng như chủ động hơn trong sản xuất. Đây  được xem là chìa khóa để thực hiện hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong toàn tỉnh. 

Đông trùng hạ thảo được biết đến là một loại nấm dược liệu quý có giá trị. Nhằm góp phần phát triển sản phẩm Đông trùng hạ thảo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành thực hiện đề tài Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhân giống, nuôi trồng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho sản phẩm Đông trùng hạ thảo trong điều kiện phòng thí nghiệm”. Đến nay Trung tâm đã nắm bắt được quy trình sản xuất giống và nuôi trồng thành công nấm Đông trùng hạ thảo, từng bước hoàn thiện quy trình kỹ thuật các sản phẩm để phát triển sản xuất với quy mô lớn hơn phục vụ cho nhu cầu thương mại hóa sản phẩm.

Anh Thiều Thảo Minh, Phụ trách Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trao đổi: “Chúng tôi đã làm chủ được công nghệ từ môi trường nhân tạo bao gồm có gạo lứt, nước dừa, nhộng tằm và đã nuôi trồng nấm dược liệu này. Từ thành công bước đầu của chúng tôi, quy trình công nghệ này sẽ được chuyển giao các tập thể cá nhân, có nhu cầu.”

Với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đang tư vấn về kiểm định X-Quang cho các cơ sở y tế,  hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký nhãn hiệu hàng hóa theo Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu cho 03 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cùng với đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm đã chuyển giao công nghệ ứng dụng chế phẩm sinh học trong việc xử lý vỏ cà phê làm phân bón hữu cơ, triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê và cây hồ tiêu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và mô hình trồng nấm. Người dân tham gia được hỗ trợ kỹ thuật thực hiện, trồng, chăm sóc nhằm đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tiết kiệm công lao động, chi phí đầu tư.

Anh Lê Quốc Nam, thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa, Gia Lai nói:  “Sau khi học tập cách làm nấm thì mình về làm thử, thấy hiệu quả kinh tế cao, vốn ổn định, xoay vòng hơn so với trồng các loại cây khác. Mình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hệ thống tưới béc thông minh giúp chính xác, đồng đều, đạt năng suất và không phụ thuộc vào thời tiết, mình có thể chủ động được nguồn giống và nhân lực.”

Chị Trần Thị Thúy, Chuyên viên Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Nhiệm vụ của Trung tâm là ứng dụng, chuyển giao công nghệ thì trong các nhiệm vụ chuyển giao công nghệ thì đây là Trung tâm sẽ tiếp nhận các quy trình công nghệ, kỹ thuật mới để ứng dụng sau đó là chuyển giao lại cho bà con nông dân ở trong tỉnh. Có các cán bộ kỹ thuật bà con sẽ trồng và chăm sóc các loại cây, giống nấm theo đúng quy trình như vậy sẽ đảm bảo năng suất, chất lượng.”

Song song với nhiệm vụ chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ đang tiến hành nghiên cứu sàng lọc bệnh truyền nhiễm trên cây hồ tiêu, làm cơ sở để nhân giống tiêu sạch bệnh và nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm nhằm bảo tồn được những giống cây có nguồn gen quý khó nhân giống ngoài tự nhiên. Bên cạnh  đó, hiện nay trung tâm cũng đang nuôi cấy các loại lan dược liệu như: Lan Kim tuyến, Đẳng sâm, Thạch hộc tía và các loại lan cảnh như Hồ điệp, Nghinh xuân, Hoàng Thảo kèn,… Các giống cây này được nhân giống trong phòng thí nghiệm và theo dõi phát triển tại trung tâm. Những thành công bước đầu trong nuôi cấy mô đã cho thấy, giống cây trồng được tạo ra có chất lượng cao, số lượng lớn, có độ đồng đều cao, giữ nguyên vẹn đặc tính sinh học, đặc tính kinh tế của cây bố mẹ, mở ra hướng đi mới, hiệu quả trong việc sản xuất giống cây trồng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong quá trình nghiên cứu một số giống cây trồng có chất lượng, năng suất cao phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương; tạo đà phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết:  “Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ vừa làm nhiệm vụ quản lý nhà nước vừa là phục vụ phát triển của người dân và doanh nghiệp. Được đánh giá là một trong những trung tâm hoạt động tốt trên địa bàn Miền Trung, Tây Nguyên. Chúng tôi đang phát triển lên tổ chức để đánh giá về tiêu chuẩn, chất lượng, công nhận các quy định sản xuất, các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đang phấn đấu cùng với việc phát triển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thì Trung tâm này cũng phải chuyển biến để phục vụ cho phát triển công nghệ cao của tỉnh.”

Nhìn chung, các nhiệm vụ khoa học được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực.Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để tiếp tục phát triển bền vững, trung tâm đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh khai thác hiệu quả máy móc, trang thiết bị và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu thực nghiệp, sử dụng tốt công năng, nâng cao năng suất hoạt động nghiên cứu. Đồng thời, tăng cường công tác liên kết hợp tác chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học phù hợp với địa phương góp phần đem lại hiệu quả cao, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở Gia Lai.

Thúy Diện, Minh Trung, Duy Linh


Lượt xem: 72

Trả lời