Trình diễn các nghề truyền thống – Lan toả những nét văn hoá độc đáo trong đời sống của các dân tộc Tây Nguyên

Cập nhật 12/11/2023, 16:11:11

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hoá – Du lịch và Festival Văn hoá cồng chiêng Lai năm 2023, trong 2 ngày 11 và 12/11, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã diễn ra hoạt động trình diễn, tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, bên cạnh biểu diễn cồng chiêng, tái hiện và phục dựng một số lễ truyền thống quan trọng thì các hoạt động trình diễn các nghề truyền thống như tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm – những nét văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Độc đáo, hấp dẫn, mang đậm tính nghệ thuật nhưng cũng rất chân thực, tràn đầy hơi thở cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đó là cảm nhận của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh khi được tận mắt chứng kiến, thưởng thức và cảm nhận các hoạt động trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng – những hoạt động chính nhằm tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Với tâm hồn sáng tạo nghệ thuật cùng đôi bàn tay khéo léo, kỹ năng thành thạo, các nghệ nhân đã biến những nguyên vật liệu thô sơ, giản đơn như tre, nứa, sợi vải, len, gỗ… thành những sản phẩm độc đáo không những mang đậm chất nghệ thuật mà còn giàu tính ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày.

 Anh Si – Đoàn Nghệ nhân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai hứng khởi nói: “Ngày xưa ông bà mình chỉ đan gùi này thôi, sau đó mình thiết kế ra chiếc nón, va li. Phần ruột tre bỏ đi thì mình sáng tạo ra cái kẹp tóc, bây giờ cũng bán được luôn rồi. Ngày nào được nghỉ thì mình làm thêm. Buổi tối được nghỉ thì cả gia đình ngồi nói chuyện, nhà hàng xóm tập trung ngồi nói chuyện, cả nhà mình tập trung ngồi tập đan lát.

Dệt thổ cẩm là một trong những hoạt động trình diễn thu hút được nhiều sự chú ý và thích thú của du khách. Mặc dù đã biết đến nghề dệt thổ cẩm qua nhiều kênh thông tin, nhưng đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên được trực tiếp chứng kiến quá trình các nghệ nhân các DTTS tạo ra một tấm vải mang những nét hoa văn đặc trưng của dân tộc mình. Dưới những tán cây xanh hoà lẫn trong tiếng cồng, tiếng chiêng khi trầm khi bổng, hình ảnh các bà, cô, các chị ngồi dệt thoăn thoắt bên chiếc khung cửi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, mới lạ trong lòng người xem, nhất là đối với các bạn trẻ được sinh ra và lớn lên ở phố thị, ít có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động văn hoá bản địa.

Chị Thoi – Đoàn Nghệ nhân huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Hồi nhỏ học lớp 4 em đã biết nghề dệt rồi. Em thích dệt vì nó là nghề thống rồi, nó cũng mang lại niềm vui và một chút thu nhập cho em. Em rất vui và vinh hạnh được đi trình diễn như thế này và mong muốn sẽ có nhiều hoạt động như thế này để tham gia.”

Em Nguyễn Ngọc Bảo Hân – Trường THCS Ngô Gia Tự, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Em cảm thấy rất thú vị, được học hỏi rất nhiều điều bổ ích về truyền thống văn hoá. Em thích nhất nhất là hoạt động dệt vải vì được trực tiếp nhìn thấy các bà, các chị ngồi dệt vải, em thấy thú vị.”

Tham dự Festival Văn hoá cồng chiêng tỉnh Gia Lai năm 2023, hàng trăm nghệ nhân trong hơn 1000 nghệ nhân thuộc 21 đoàn của 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai và 4 đoàn của các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng đều cố gắng thể hiện tốt nhất tài nghệ, kỹ năng của mình thông qua các nghề truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hoá đặc sắc, độc đáo nhất của dân tộc mình đến đông đảo du khách gần xa.

Nghệ nhân Yser Bkrông – Đoàn Nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk hào hứng nói: “Tham gia chương trình Festival văn hoá cồng chiêng này, tôi đục và tạc 3 tác phẩm. 1 tác phẩm đang đục dở là tượng già làng đi rẫy, 1 tác phẩm cô gái tắm và 1 tác phẩm là con mèo. Dự Lễ hội lần này tôi thực sự mong muốn giới thiệu sản phẩm của mình cũng như học hỏi thêm kinh nghiệm từ những nghệ nhân khác.”

Anh Đỗ Hoà Bình – TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Tham gia các hoạt động của Tuần Văn hoá – Du lịch tỉnh Gia Lai tôi rất xúc động bồi hồi vì bên cạnh các đoàn nghệ nhân của địa phương thì có rất nhiều đoàn nghệ nhân của các tỉnh bạn Tây Nguyên đến tham dự. Như tôi đang đứng ở đây là đoàn nghệ nhân của tỉnh Đắk Lắk, có rất nhiều hoạt động văn hoá để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên giao lưu với nhau. Và tôi cũng đưa theo con đến để cháu cảm nhận, trải nghiệm bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, của khu vực Tây Nguyên nói chung.”

Thông qua các hoạt động trình diễn các nghề truyền thống trong chương trình tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Tây Nguyên, chưa bao giờ các giá trị văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên đến gần với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh như vậy. Không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu và lan toả nét đẹp các giá trị văn hoá truyền thống, những hoạt động này còn góp phần bồi đắp và nhân rộng thêm tình yêu, lòng tự hào; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi người dân nhằm chung tay hành động để những nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục được gìn giữ và trường tồn theo dòng chảy của thời gian.

Ngô Thanh – Viễn Khánh


Lượt xem: 10

Trả lời