Triển vọng từ mô hình cây na dai

Cập nhật 08/9/2017, 16:09:35

Trong những năm gần đây nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển cây ăn quả với nhiều mô hình bước đầu đã đem lại những tín hiệu khả quan. Rất nhiều loại cây ăn quả thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và được thị trường ưa chuộng; trong đó, mô hình cây na dai ở xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa được đánh giá là có triển vọng và bước đầu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng.

Từ một số cây na dai được người dân trồng trong vườn nhà dù không được chăm sóc nhưng vẫn cho quả đều nên cuối năm 2013, gia đình ông Lê Viết Kỳ ở thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa đã mua đất, giống và trồng 2.000 cây na dai trên diện tích 1,4 ha. Sau gần 4 năm trồng, vừa qua nhà ông đã thu bói vụ đầu tiên được khoảng 4 tấn quả và bán với giá  tương đối cao; 30.000 đồng/kg đối với loại 1, còn lại dao động từ 20 đến 25.000/kg và được thương lái vào tận vườn thu mua. Với vụ bói đầu, nhà ông đã thu được hơn 100 triệu. Theo đánh giá thì quả na dai của gia đình ông Kỳ rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà Phạm Thị Hiếu Thảo – Tiểu thương chợ thị xã Ayun Pa, Phường Đoàn kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai nói: Tôi thì nhập quả na của anh Kỳ, chị Miên đây thì thấy chất lượng cao, vị ngọt thanh, quả thì đều và được khách hàng rất là ưa chuộng.

Theo ông Kỳ, khi được chăm sóc tốt, cây na dai sẽ cho thu hoạch 2 vụ/năm. Ngay sau khi thu hoạch xong đợt ra bói vừa qua, hiện gia đình ông đang tập trung tỉa cành, chăm sóc cho cây ra quả trong tháng 9 này để bán vào dịp Tết Nguyên đán tới. Vụ tới, ông Kỳ dự kiến bình quân mỗi cây sẽ thu khoảng 5 kg quả và sản lượng khoảng 10 tấn. Về kỹ thuật chăm sóc, ông Kỳ cho biết cũng rất kỳ công, nhất là trong việc phòng trừ các loại sâu, bệnh hại.

Ông Lê Viết Kỳ, Thôn Đức Lập, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai cho biết: “ Cây na dai đây thì cũng đồi hỏi kỹ thuật cao; phải thường xuyên thăm vườn, chăm sóc cho đầy đủ nước, phân. Đối với sâu bệnh thì nhất là rệp sáp và sâu đục thân; rồi có mùa thì nấm, sương mốc cho nên mình phải thường xuyên phải thăm vườn để xử lý sâu bệnh”.

Vừa qua, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học 2017, thị xã Ayun Pa đã hỗ trợ cho gia đình ông Lê Viết Kỳ đầu tư hoàn thiện hệ thống tưới bằng béc để giúp gia đình ông mở rộng thêm diện tích trồng cây na dai lên 3 ha. Đây được xem là mô hình điểm trong chuyển đổi cây trồng ở xã Ia Rtô.

Ông Huỳnh Thanh Thọ “Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đánh giá: “Trong những năm gần đây thì bà con chú trọng trồng cây dài ngày hơn cây ngắn ngày, đặc biệt là cây ăn quả, như là cây na, cây mẵng cầu, cây bơ, dừa xiêm, cam. Qua theo dõi, đánh giá thì có một số cây phát triển rất là tốt như cây na dai của gia đình ông Lê Viết Kỳ; và Hội cũng thường xuyên thăm hỏi và hướng dẫn xây dựng mô hình trang trại hộ gia đình để có cơ sở hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí để nhân rộng mô hình; và lấy mô hình đấy làm điểm để nhân rộng cho các hộ khác để thoát nghèo bền vững”.

Được biết, ngoài mô hình của ông Lê Viết Kỳ thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng có rất nhiều hộ dân đang chuyển đổi cây nông nghiệp sang trồng cây ăn quả và đã đem lại nguồn thu nhập cao. Đây được xem là một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Gia Lai giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 164

Trả lời