Triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc sét, gió mạnh và ảnh hưởng của bão Conson

Cập nhật 11/9/2021, 11:09:44

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 3179 về việc triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc sét, gió mạnh và ảnh hưởng của bão Conson.

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên: do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ nối với cơn bão Conson kết hợp đới gió Tây Nam có cường độ trung bình, nên một số khu vực phía Đông, Tây và giữa tỉnh Gia Lai có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (mưa tập trung vào chiều và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo từ 48 đến 72 giờ tiếp theo dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Trung Bộ nối với cơn bão Conson hoạt động mạnh dần lên và nâng trục dần lên phía Bắc, đới gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh, gây mưa rào và dông, có nơi mưa vừa đến mưa to. Để chủ động ứng phó với bão Conson gây ra trên địa bàn tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị: Các sở, ban, ngành hữu quan theo địa bàn được phân công đôn đốc công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn, lốc, sét, gió mạnh và ảnh hưởng của bão Conson để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổ chức trực ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra; Hướng dẫn, chỉ đạo triển khai chằng chống, gia cố nhà  cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị; bảo vệ sản xuất nông nghiệp . Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng xung yếu, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn đồng thời đảm bảo quy định về phòng chống dịch Covid-19. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Tổ chức thông tin cảnh báo cho chính quyền và nhân dân vùng hạ du bị ảnh hưởng về việc vận hành xả lũ. Chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ. Các Chủ đầu tư; các Chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện:  Khẩn trương kiểm tra, rà soát mực nước hiện tại của các công trình thủy lợi, thủy điện vận hành an toàn, đúng quy trình vận hành, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ, đập và dạ du công trình. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thi công vượt lũ năm 2021 ở các công trình đang thực hiện; xây dựng phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công theo quy định.  Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, bố trí lực lượng trực ban 24/24 trong thời gian xảy ra mưa lũ tại công trình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện nhằm phát hiện sớm những nguy cơ mất an toàn công trình./.

BT Hà Đức


Lượt xem: 6

Trả lời