Trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai về những giải pháp siết chặt quản lý loại hình vận tải đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh.

Cập nhật 16/4/2017, 09:04:14

Liên quan đến vấn đề quản lý loại hình vận tải đưa đón học sinh ,PV Đài PT-TH Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai về những giải pháp siết chặt quản lý loại hình vận tải đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết trong thời gian qua hoạt động của loại hình vận tải đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh có vấn đề gì đáng lưu tâm?

Ông Nguyễn Trường Sơn-PGĐ Sở GTVT: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 87 phương tiện tham gia đưa đón học sinh của các trường học từ trung học phổ thông đến tiểu học, trong đó có tới  73 hộ kinh doanh và chỉ có 01 đơn vị kinh doanh là doanh nghiệp. Các phương tiện này thực hiện vận chuyển học sinh theo hành trình cố định với khoản cách từ 5 km đến 18 km. Đặc điểm của loại hình này là xe chạy theo tuyến cố định, tần suất thay đổi theo giờ nhập học và tan học của học sinh; thực hiện đón trả học sinh tại các điểm cố định dọc theo hành trình; bán vé tháng hoặc từng lượt đi, suốt tuyến hoặc nửa tuyến theo nhu cầu của học sinh.

Đây là một mô hình hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích thực tế, được nhiều trường học, phụ huynh và học sinh ủng hộ, vừa hạn chế được tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy phân khối lớn đến trường, vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời giúp phụ huynh tiết kiệm được thời gian đưa đón và giám sát được con em đi về đúng giờ, hạn chế được tình trạng la cà hàng quán, tụ tập bạn bè,…

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật quy định xe đưa đón học sinh là loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, các hộ kinh doanh vẫn được kinh doanh. Nên đa số các chủ phương tiện xe ô tô đưa đón học sinh đều là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ có từ một đến hai phương tiện, kinh doanh mang tính chất manh mún nên công tác quản lý điều hành còn nhiều hạn chế, chưa tập trung. Vấn đề này Sở GTVT cũng đã kiến nghị với trung ương xem xét quy định loại hình vận tải xe đưa đón học sinh là loại hình xe buýt và nội dung này cũng đã được tiếp thu cập nhật tại dự thảo sửa đổi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của chính phủ được lấy ý kiến trong tháng 3/2017.

          PV: Vậy ông có thể cho biết, việc kiểm soát, quản lý loại hình vận tải đưa đón học sinh gặp phải những khó khăn gi?

          Ông Nguyễn Trường Sơn-PGĐ Sở GTVT: Xe ô tô đưa đón học sinh phân tán rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhiều xe hoạt động ở địa bàn xã, hoạt động trong phạm vi nhỏ,… nên công tác kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, có trường hợp phụ huynh tự hợp đồng với chủ phương tiện để đưa đón con em mình trong một xóm hoặc một nhóm nhất định. Vì vậy, công tác kiểm soát, quản lý loại phương tiện này cần có sự phối hợp của nhiều ngành và sự vào cuộc của từng địa phương, trực tiếp là các trường học để hạn chế tình trạng bỏ sót phương tiện. Cho tới giờ phút này chúng tôi chưa phát hiện xe hết hạn sử dụng mà đưa đón học sinh mà chỉ là hết hạn đăng kiểm thôi. Và vấn đề mà chúng tôi đang rất lưu tâm đó là những bác tài, đã xảy ra tình huống là những bác tài đó ngày hôm dó bận lại đi nhờ một người khác không đủ bằng cấp lái xe chở học sinh và đó là một trong những lý do gây ra tai nạn. Đặc biệt, tâm lý của các bác tài này là chạy đường ngắn nên không chú tâm chạy, có khi vẫn làm việc riêng như nghe điện thoại. Sở GTVT rất mong muốn sự các cấp các ngành tăng cường phối hợp, đặc biệt là sự phối hợp của chính quyền địa phương, nhà trường và với các cấp,các ngành và sự quan tâm của nhà trường, phụ huynh cũng như người dân nhằm mục đích phản ánh nhằm tránh những phương tiện không đảm bảo nhưng vẫn được lưu thông.

          PV: Sau vụ tai nạn nghiêm trọng tại Mang Yang, công tác quản lý loại hình vận tải này được siết chặt như thế nào?

          Ông Nguyễn Trường Sơn-PGĐ Sở GTVT: Sau vụ tai nạn giao thông thương tâm tại huyện Mang Yang, Ủy Ban ATGT Quốc gia, Lãnh đạo tỉnh, Ban ATGT tỉnh, chính quyền địa phương, các ngành và Sở GTVT đã tích cực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả. Trong đó, Sở GTVT cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, điều động phương tiện khác thay thế xe bị tai nạn để đưa đón các em học sinh miễn phí.

Về công tác quản lý, Sở đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các xe đưa đón học sinh; chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ giám sát trực tiếp việc chấp hành tốc độ của các phương tiện thông qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời nhắc nhở khi lái xe vi phạm; chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tổng rà soát xe vận chuyển học sinh trên toàn tỉnh để kịp thời phát hiện xe không đủ điều kiện, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành, địa phương đề ra biện pháp quản lý chặt chẽ loại hình vận tải này, kiên quyết không để xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.

Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông cho chủ phương tiện, lái xe chở học sinh, sinh viên; kiểm tra, xử lý đối với xe vận chuyển học sinh, đặc biệt quan tâm kiểm tra điều kiện lái xe, phương tiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm./.

Cảm ơn ông về những thông tin này!

Lê Thư-Kim Châu – Minh Trí


Lượt xem: 278

1 thought on “Trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai về những giải pháp siết chặt quản lý loại hình vận tải đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh.”

Trả lời