Tranh luận sôi nổi về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Cập nhật 20/10/2023, 07:10:31

Những ngày vừa qua, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là chủ đề được giáo viên và các em học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai bàn luận sôi nổi. Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các nhà trường về việc triển khai lấy ý kiến lựa chọn 1 trong 2 phương án về số môn thi thuộc Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025. Cụ thể, phương án 1 gồm 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học; phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn Lịch sử. Mới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề xuất thêm phương án thứ 3 là thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn. Ghi nhận của phóng viên Đài PT – TH Gia Lai tại các trường học về vấn đề này.

Ở hai phương án được đưa ra thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trước đó gồm 4 môn thi bắt buộc, 2 môn thi lựa chọn và phương án 2 là thi 3 môn  bắt buộc, 2 môn thi lựa chọn, hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đều thiên về lựa chọn phương án 2 (nghĩa là chỉ có 3 môn thi bắt buộc so với phương án 1).

Cô giáo Trần Thị Anh Đào  – Giáo viên tiếng Anh Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku chia sẻ “Theo cá nhân tôi, tôi ủng hộ phương án thi 3 môn bắt buộc bao gồm Toán, Văn, tiếng Anh và 2 môn tực chọn trong tổ hợp mà các em học. Bởi vì tôi nghĩ thêm 2 môn tự chọn đó mà các em đã chọn tức là nó đã liên quan đến định hướng nghề nghiệp của các em sau này.”

Bên cạnh việc lấy ý kiến của các giáo viên tham gia lựa chọn môn thi tốt nghiệp thì những ngày gần đây các em học sinh lớp 11, lứa đầu tiên thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 cũng rất quan tâm đến vấn đề này.

Em Huỳnh Trần Ngọc Như Ý – HS lớp 11, Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku cho biết “Theo như phương án dự thi năm 2025 em thấy Bộ GD&ĐT đưa ra phương án 3+2 tức là 3 môn thi bắt buộc và 2 môn thi lựa chọn trong tổ hợp mình chọn là tốt nhất rồi ạ.”

Em Nguyễn Bảo Trân – HS lớp 11,  Trường THPT Pleiku nói “Hiện tại có 3 phương án thi tốt nghiệp, em nghĩ mình nên lựa chọn phương án 2 là 3 môn bắt buộc toán, văn, anh văn và 2 môn tổ hợp tự chọn. Em thấy tổ hợp thi đó phù hợp với bọn em, còn phương án 1 có tới 4 môn thi nó quá là nặng.”

Thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngoài các môn bắt buộc, học sinh được lựa chọn các môn học khác. Tuy nhiên mong muốn của hầu hết các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy đó là chọn 3 môn bắt buộc giảm tải các môn thi để giảm áp lực cho học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Đình Trung – Hiệu trưởng Trường THPT Pleiku nói “Đối với nhà trường chúng tôi tổng hợp và lấy ý kiến thống kê cho thấy khoảng ¾ giáo viên lựa chọn phương án 2 trong thi tốt nghiệp. Cá nhân mình thấy phương án 2 là phù hợp bởi 3 môn thi bắt buộc rất cần thiết đối với học trò đó và văn, toán, anh văn là vừa đủ, vì nếu thêm 1 môn bắt buộc nữa nó sẽ nặng cho học trò. Và môn Lịch sử cũng phù hợp cho thi đại học nên môn lịch sử cũng nên là một môn học được sếp vào 2 môn lựa chọn cho các em để thuận lợi cho các em học tập, bớt gây áp lực cho học sinh .”

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 trong 3 năm THPT sẽ thi tốt nghiệp THPT. So với Chương trình GDPT 2006, điểm khác quan trọng của Chương trình GDPT 2018 là chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; cấp THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Do đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng phải thay đổi cho phù hợp nhưng không phải đổi mới hoàn toàn vì lứa học sinh tốt nghiệp năm 2025 cũng mới chỉ thụ hưởng chương trình mới trong 3 năm. Do đó việc thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần sớm có lộ trình để quá trình dạy và học được điều chỉnh tương ứng, kịp thời tránh những thay đổi lớn và quá cận về mặt thời gian./.

 

Lệ Xuân – Huy Toàn


Lượt xem: 4

Trả lời