Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 Hội nghị TW5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Cập nhật 14/10/2019, 18:10:40

Chiều ngày 14/10, tại Hà Nội; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Trưởng BCĐ Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế HTX đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ V (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Hội nghị với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành TW và lãnh đạo 63 tỉnh/thành trên cả nước tại các điểm cầu. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành; các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Thường trực UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cùng đại diện các HTX, các công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Sau 15 năm ra đời của Nghị quyết số 13 Hội nghị TW5 (khóa IX) ngày 18/3/2002 với mục tiêu đưa kinh tế tập thể thoát khỏi những yếu kém, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế; kinh tế tập thể (KTTT) trên cả nước với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) vẫn đóng vai trò lớn lao và là cầu nối trong xây dựng mối quan hệ sản xuất của Việt Nam. Nhìn chung sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13, khu vực HTX trên cả nước đang phục hồi và phát triển khá ổn định. Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền với chất lượng hoạt động được nâng lên. Tính đến cuối năm 2018, cả nước có hơn 101.000 tổ hợp tác, hơn 22.860 HTX; 61/63 tỉnh/thành có chính sách riêng hỗ trợ cho khu vực KTTT và HTX. Đặc biệt với Nghị quyết số 13 và sau đó là Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được cụ thể hóa trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới; nhận thức về quan điểm phát triển KTTT của các cấp ủy, chính quyền đã có những chuyển biến tích cực; xóa bỏ dần những mặc cảm do mô hình HTX kiểu cũ để lại, đưa KTTT ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Đánh giá những kết quả đạt được, nêu lên những tồn tại hạn chế; chỉ ra bài học nghiệm và đề xuất giải pháp cho phát triển KTTT nói chung, HTX nói riêng trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng hiện nay đó là nhận thức về phát triển KTTT trong nền kinh tế thị trường, và về điều này chúng ta đã có những chuyển biến tích cực, từ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đến thể chế pháp luật, qua đó tạo điều kiện cho KTTT góp phần quan trọng cùng với các khu vực kinh tế khác tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng nông thôn của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó KTTT mà nòng cốt là HTX vẫn còn đang gặp phải những khó khăn, đó là vẫn chưa có nhiều mô hình HTX kiểu mới phát triển quy mô lớn, một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng với mô hình HTX kiểu mới; nhiều HTX còn gặp khó trong tiếp cận vốn vay, xử lý quan hệ đất đai, nguồn nhân lực, vấn đề công nghệ và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đồng tình với những định hướng và giải pháp phát triển KTTT trong thời gian tới của BCĐ Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị BCĐ cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm cũng như học tập những mô hình HTX thành công của quốc tế và trong nước để phát triển, nhân rộng; về phía các địa phương cần xác định phát triển KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và coi đây là nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo để thúc đẩy KTTT ngày càng phát triển; góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 46

Trả lời