Tỉnh Gia Lai chủ động triển khai ứng phó với cơn bão số 4

Cập nhật 27/9/2022, 06:09:01

Trước diễn biễn của siêu bão NORU– cơn bão số 4, tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm 4 tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Để ứng phó với siêu bão NORU, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ huy các cấp về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng như Công điện số 03 của UBND tỉnh Gia Lai về tập trung ứng phó với cơn bão số 4.

Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND TP.Pleiku cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 855 và Công điện số 03 ngày 26/9 của UBND tỉnh thì TP đã có công điện chỉ đạo cho các xã, phương. Trong đó, chủ động ứng phó với tình trạng mưa lớn gây ngập lụt cục bộ ở một số khu vực trên địa bàn TP thì TP đã chỉ đạo cho các xã, phường rà soát, khơi thông cống rãnh để đáp ứng việc tiêu thoát nước, tránh gây ngập lụt. Theo nhận định thì cơn bão này sẽ gây gió giật mạnh làm ngã đổ cây cối và tốc mái nhà ở của người dân thì TP đã giao cho Ban Quản lý công trình đô thị và Công ty Công trình đô thị tiến hành rà soát cắt tỉa, tránh cây xanh bị ngã đổ và hướng dẫn người dân chằng chống các công trình”.

 Xã Ia Ake, huyện Phú Thiện được xác định là một trong những điểm xung yếu, chịu ảnh hưởng của cơn bão số 4. Trên tinh thần chỉ đạo của các cấp, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Ông Bùi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Ia Ake, huyện Phú Thiện cho biết: “Xã đã kịp thời triển khai cho lực lượng công an, xã đội xây dựng kế hoạch riêng để huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ cho nhân dân trong công tác phòng, chống lụt bão. Và triển khai cho hệ thống chính trị ở thôn, làng thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến lụt bão của cơn bão số 4 để báo cáo lên cấp trên và hướng dẫn cho nhân dân chủ động ứng phó; đồng thời triển khai cho nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa và di dời tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn”.

Cùng với đó, các địa phương trong toàn tỉnh Gia Lai đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân do cơn bão số 4 gây ra.

Ông Nguyễn Đăng Chung, Chủ tịch UBND xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Chúng tôi xác định là địa bàn nằm giao thoa giữa 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, xác định là vùng trọng tâm của cơn bão số 4 được dự báo là rất nguy hiểm có thể tác động đến đời sống của người dân. Thực hiện chỉ đạo của các cấp thì ngay trong ngày hôm qua la ngày nghỉ nhưng Thường trực BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã đã tổ chức hội ý để rà soát các nội dung, nhiệm vụ trên cơ sở kế hoạch đã ban hành để chủ động triển khai lực lượng, phương tiện để phòng ngừa đối với cơn bão này. Đối với các địa bàn xung yếu thì chúng tôi đã tăng cường cảnh báo sạt lở đất, lũ tràn, nhất là khu vực ven dọc sông Ba”.

Theo dự báo, ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ ngày 27 đến 29/9, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sẽ có mưa to trên diện rộng với lượng mưa từ 150 đến 250mm, có nơi trên 300mm. Kèm theo đó là gió giật mạnh. UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo cho các sở, ngành địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là những khu vực trọng yếu có nguy cơ sạt lở, lũ quét trên địa bàn: TP.Pleiku, huyện Krông Pa, Kbang và Phú Thiện.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Cơ quan Thường trực BCH phòng, chống thiên tai tỉnh Gia Lai cho biết: “Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các cơ quan thành viên phải thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình của cơn bão và cung cấp đầy đủ thông tin cho các địa phương, nhất là cho chính quyền cơ sở, các thôn, làng và người dân để người dân chủ động ứng phó.  Ngay từ bây giờ thì BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”. Các công trình hồ đập thì phải đảm bảo quy chế vận hành, phải chủ động, thông tin, tránh xả lũ bất ngờ, gây khó khăn cho vùng hạ du trong việc ứng phó. Đề nghị chủ các công trình và người dân chủ động chằng chống nhà cửa để tránh thiệt hại do giông, lốc”.

Hình video mưa lũ chiều tối qua và trong ngày hôm nay (hình này có thể bổ sung, thay đổi)

Theo ghi nhận, từ chiều tối qua và trong ngày hôm nay (26/9), trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa vừa đến mưa to ở nhiều địa phương, gây ngập cục bộ ở một số khu vực. Theo dự báo, trong ngày mai (27/9), ảnh hưởng của cơn bão số 4 trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa to kèm theo gió giật mạnh. Chính vì thế các ngành, địa phương và người dân cần tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra./.

 Đức Hải – R’Piên – CTV Thanh Tâm


Lượt xem: 16

Trả lời