Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân nặng lòng với lịch sử Gia Lai

Cập nhật 17/3/2022, 16:03:50

Bắt đầu thực hiện nghiên cứu sinh từ những năm 2000, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân là một trong những nữ tiến sĩ hiếm hoi ở Gia Lai theo chuyên ngành khoa học lịch sử. Nhìn lại chặng đường 30 năm dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân đã để lại dấu ấn quan trọng với nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử dân tộc của vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng.
Câu chuyện về người phụ nữ làm khoa học sau đây sẽ cho thấy thành công sẽ đến với bất cứ ai nếu say mê và cố gắng hết mình.

Với tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, lịch sử và văn hóa của vùng đất Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Trong căn phòng làm việc giản dị, đầy ắp sách này có những trang sách thật đẹp, thật hay về lịch sử, văn hóa của đất và người Tây Nguyên do chính bà viết ra. Dù mọi chuyện là không hề dễ dàng.

Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân –  Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai tâm sự: “Khi mới ra trường đến Tây Nguyên, đầu tiên là Kon Tum thì phải trải qua một đoạn đường rừng hơn 35 cây số từ Kon Tum đi Ngọc Réo ở đây không chỉ có đam mê mà có cả sự sợ hãi, làm việc xong chiều ra bờ suối ngồi khóc, không biết nói chuyện với ai, đôi lúc mình không biết có vượt qua được không. Hay có thời gian mình nghiên cứu về vua lửa, lúc đó chưa có cây cầu bến mộng như bây giờ, xẩm tối mình lội qua sông để vào nhà A Mí Thúy, ngủ lại đó và đêm thì làm việc với những người già…Và đó, mỗi cuốn sách, công trình ra sau này là cả một quá trình tích lũy lâu lắm rồi.”

Nam giới làm khoa học đã khó, phụ nữ làm khoa học lại càng vất vả hơn, nhưng tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân không lấy đó làm trở ngại. Bà đi nhiều, có những chuyến đi dài ngày, rồi ăn, ở trực tiếp tại buôn làng. Có lẽ điều đó đã giúp bà có sự am hiểu và một vốn kiến thức sâu rộng.

Đến nay, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đã xuất bản hơn 30 đầu sách, hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Trong đó, nhiều nhất là các công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, và một khối lượng lớn là lịch sử Đảng bộ các địa phương tỉnh Gia Lai. Gần đây nhất là công trình nghiên cứu “Lịch sử Gia Lai từ nguồn gốc đến năm 1975” do bà làm chủ biên đã được xuất bản. Công trình này được đánh giá là cẩm nang, nguồn tư liệu quý để tham khảo, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Gia Lai và cả vùng Bắc Tây Nguyên.

 Nhiều người nói rằng: Sự đóng góp của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân không chỉ ở tảng nền tri thức, những công trình nghiên cứu mà nó còn đến từ tình cảm, nhân cách làm người… Đi đến đâu, bà cũng hết lòng dẫn dắt, truyền năng lượng tích cực cho thế hệ học trò.

Khi nói về người thầy của mình, anh Huỳnh Bá Tính –  Bảo tàng tỉnh Gia Lai bày tỏ: “Rất may mắn khi tôi về làm việc ở Bảo tàng thì được làm việc với cô Vân, vừa là người lãnh đạo vừa là người thầy đã dìu dắt, chỉ dẫn cho chúng tôi rất nhiều. Từ kiến thức, phương pháp làm việc…những nền tảng ban đầu mà cô đã bồi đắp giúp chúng tôi rất nhiều trong nghiệp vụ chuyên môn của mình hiện tại.”

Tiến sĩ sử học Nguyễn Thị Kim Vân –  Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai  bộc bạch: “Ở đây mình không nói là mình giỏi, mình dạy hay mà là mình có tâm và muốn chuyển tải vấn đề đó đến học sinh của mình một cách sâu sắc và có hệ thống và cũng không bắt học sinh phải nhớ những cái manh mún mà phải nhớ được vấn đề, phương pháp và ứng dụng vào cuộc sống thực tiễn hàng ngày.”

Dù đã nghỉ hưu nhưng hiếm khi nào thấy tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân thảnh thơi. Từ tham gia các hội đồng nghiên cứu đến các hội thảo, đến dạy học, hướng dẫn luận văn cho các học trò. Ở bà, người ta luôn thấy một tinh thần làm việc khoa học, nghiêm túc; một sự thẳng thắn và luôn nỗ lực cống hiến hết mình./.

Kim Ngân – Mạnh Hà


Lượt xem: 45

Trả lời