Thường trực Tỉnh uỷ làm việc với Sở GD&ĐT

Cập nhật 18/3/2021, 18:03:17

Gia Lai phải đổi mới căn bản, toàn diện ngành GD&ĐT theo đúng định hướng của Trung ương, của Bộ GD&ĐT nhưng phải phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Bởi công tác đổi mới giáo dục nếu phù hợp với thực tiễn của địa phương sẽ có vai trò hết sức quan trọng. Trên thực tế cũng đã có những việc, có những quy định chung cho cả nước nhưng khi đưa vào áp dụng tại địa phương lại chưa đúng thời điểm. Mà nếu đã không đúng thời điểm thì việc gỡ bỏ sẽ rất khó khăn và đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn ngành GD&ĐT nói riêng,  sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung.  Vì vậy trong bất cứ chương trình đổi mới nào chúng ta cũng cần phải xây dựng được đề án, cũng như lộ trình thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn. Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trong buổi làm việc sáng nay (18/3) của Thường trực Tỉnh ủy với Sở GD&ĐT. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh uỷ – Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự buổi làm việc còn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là trưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT toàn tỉnh hiện có 760 trường mầm non và phổ thông, giảm 8 trường so với năm học 2019 – 2020 do sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết số 19. Tổng số học sinh các cấp học là 400.149 học sinh mầm non và phổ thông, tăng 1.955 em so với năm học trước. Toàn ngành hiện có 17 trường PTDT Nội trú, 25 trường PTDT Bán trú.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT hiện nay đó là đội ngũ giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập mới chỉ đạt 1,51 giáo viên/lớp, chưa đảm bảo theo Thông tư số 06/2015 Thông tư liên tịch của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ; Tỷ lệ giáo viên tiểu học để dạy học 2 buổi/ngày chưa đồng đều; Biên chế giáo viên hàng năm không tăng trong khi số lượng học sinh lại tăng qua các năm; Việc chuyển giáo viên hợp đồng theo Nghị định 68 sang hợp đồng theo Nghị định 161  đã gây khó khăn cho nhiều trường học khi chưa thực hiện tự chủ. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập còn thiếu phòng phục vụ học tập, phòng hành chính quản trị, phòng ăn bán trú,…

Liên quan đến những khó khó khăn đối với ngành GD&ĐT trong thời gian vừa qua, đồng chí Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT phải xác định rõ những khó khăn nào thuộc về Trung ương? Khó khăn nào thuộc về địa phương? Trên cơ sở đó có những đề xuất cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho toàn ngành.

Đối với kiến nghị của đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ nhắc lại ngày 05/6/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 64. Trong đó có nội dung yêu cầu Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cần xây dựng đề án tham mưu cho UBND tỉnh, Tỉnh ủy giải quyết nhu cầu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường. Không nên kéo dài tình trạng năm nay giảng viên cầm quyết định đi biệt phái ở các huyện, năm sau lại tiếp tục đi biệt phái như thế. Bộ mặt 5 năm tới của ngành GD&ĐT Gia Lai sẽ như thế nào? Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu ngành giáo dục phải khảo sát thực tế, quy hoạch cụ thể để có những định tốt cho công tác này.

Tại buổi làm việc với Sở GD&ĐT, đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh uỷ – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng ngành GD&ĐT mới chỉ quan tâm đến vấn đề giáo dục mà chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo. Nhiều sinh viên mới ra trường không biết đi về đâu? Định hướng công tác đào tạo thế nào? Bổ sung nguồn lực cho tỉnh ra sao trong thời gian tới? Đó là nội dung câu hỏi của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặt ra cho ngành giáo dục.

Đối với 2 chương trình lớn liên quan đến công tác giáo dục đó là: Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đồng chí CT UBND tỉnh đề nghị ngành GD&ĐT phải phối hợp tốt với Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện.

Đồng chí Hồ Văn Niên – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành giáo dục, đào tạo. Đồng chí Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu:

“Trong điều kiện của mình ngành GD&ĐT cũng phải có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực gần với nhu cầu với phát triển KT – XH của tỉnh. Ở đây ngành GD&ĐT chúng ta phải định hướng nghề nghiệp cho các em từ bậc sau THCS, câu này cũng có trong Nghị quyết của Đại hội. Cùng với ngành Nội vụ định hướng đào tạo nguồn nhân lực để sau này phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chúng ta rà soát đánh giá lại hiện nay chúng ta đang mất dần cân đối giữa nguồn nhân lực của các khối kinh tế, KHXH&NV với khối Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật. Đang mất dần cân đối này, thứ nhất đó là định hướng của ngành giáo dục cho con em của mình, thứ hai là vấn đề chọn ngành, chọn nghề cũng có việc như vậy. Cho nên là rất mong ngành giáo dục cùng với các ngành khác hết sức quan tâm”.

Về công tác đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD&ĐT, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho cho rằng công tác này không phải nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà là cộng đồng trách nhiệm của nhiều ngành. Việc đầu tư cho giáo dục không thể mang lại kết quả chỉ trong một thời gian ngắn, mà giá trị của nó có khi đến thế hệ sau  mới được hưởng. Do đó vấn đề đầu tư cho giáo dục cần phải tính toán kỹ, có trọng tâm, trọng điểm.

Đ/c Hồ Văn Niên chỉ đạo: “Cùng với ngành KH&ĐT tham mưu nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục của tỉnh từng bước đầy đủ đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành. Yêu cầu là phải sử dụng có hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành giáo dục.

Chúng ta cũng đã có những câu chuyện về đầu tư nhưng không sử dụng, trang bị nhưng không sử dụng để lãng phí. Chúng ta cũng đã có những câu chuyện như thế trên địa bàn của chúng ta rồi nên chúng ta phải hết sức rút kinh nghiệm ở chỗ này. Trong khi nơi cần thì không có, nơi chưa cấp thiết thì ta đầu tư ta làm. Các đồng chí sắp xếp lại đi trong thời gian vừa qua chúng ta đã kiểm điểm với nhau chuyện này rồi và bây giờ phải khắc phục chuyện này. Việc gì làm, đề án nào làm của ngành GD&ĐT đều có nguồn lực, nguồn lực ở đây không chỉ trông chờ vào nguồn lực của nhà nước mà phải quan tâm đến vấn đề kêu gọi xã hội hóa”.

Đồng chí Hồ Văn Niên cũng đặc biệt quan tâm đến phát  triển giáo dục vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Thời gian tới, Sở GD&ĐT cần quan tâm tổ chức các lớp học để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Jrai và Bana. Thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đảng bộ tỉnh Gia Lai, tiếp tục sắp xếp, củng cố mạng lưới trường lớp tinh gọn đáp ứng với nhu cầu học tập của học sinh gắn với nâng cao chất lượng dạy học./.

Lệ Xuân, R’Piên


Lượt xem: 109

Trả lời