Thuận lợi và thách thức khi chuyển đổi tư duy phát triển nông nghiệp

Cập nhật 19/2/2023, 08:02:08

Thay vì đầu tư sản xuất quy mô lớn, tăng sản lượng, sản xuất theo đơn giá trị thì cần chuyển sang sản xuất có chất lượng, đa giá trị, tức là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường. Đó là chủ trương hiện nay mà Bộ Nông nghiệp & PTNT định hướng phát triển nông nghiệp cho các địa phương nhằm gia tăng giá trị sản xuất, bắt kịp với xu thế phát triển nông nghiệp của thế giới. Đây cũng phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra về phát triển sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng để thực hiện chuyển đổi thành công kiểu tư duy mới, tỉnh Gia Lai có những thuận lợi và cần vượt qua những thách thức nào, mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Minh Hoan đã gợi mở một số vấn đề cần tập trung thực hiện để khai thác các tiềm năng, lợi thế có tính cạnh tranh cao mà địa phương hiện có.

 Với diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước, trong đó tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 557.685 ha, phù hợp để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao thuộc nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, hồ tiêu, cao su và nhiều loại cây ăn quả…Đồng thời là nơi có nền văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, tỉnh Gia Lai hội tụ rất nhiều điều kiện thuận lợi mà không nhiều địa phương có được và đó là viên ngọc quý cần làm sáng hơn, mang lại những giá trị cao hơn cho ngành nông nghiệp địa phương.

Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT nhấn mạnh: “Nhiều khi chúng ta nghĩ viên ngọc quý sợ mất chúng ta đưa vào két sắt chúng ta khóa lại thì lúc đó không còn quý nữa. Ngọc thì phải tỏa sáng, để nhiều người nhìn, nhiều người biết giá trị của nó. Nếu giấu kín như thế thì bao nhiêu cái của Gia Lai còn đang giấu kín.  Hãy nhìn nền nông nghiệp bằng tư duy kinh tế và nhìn nền kinh tế bằng tư duy tích hợp. Tích hợp không phải là chuỗi ngành hàng nữa mà kéo chuỗi ra tích hợp từ giá trị sản xuất đến các giá trị khác. Tích hợp yếu tố văn hóa, yếu tố xã hội trong một sản phẩm. Tư duy tích hợp của nền kinh tế nông nghiệp là tư duy kinh tế, văn hóa, xã hội. Tư duy kinh tế là tư duy của người đi bán hàng chứ không phải của người sản xuất nữa. Từ xưa giờ, ngành nông nghiệp cũng là tư duy của người sản xuất. Bây giờ tư duy của người bán hàng, chúng ta biết tín hiệu thị trường thế nào để chuyển đổi lại sản xuất. Chúng ta lấy thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp vào thị trường đó”.

Từ quan điểm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tỉnh Gia Lai cũng đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm khi thực hiện chuyển đổi tư duy kiểu mới.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Chuyển từ duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. ngành nông nghiệp phải nhìn nhận , định hướng cho sản xuất chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp đơn giá trị sang tư duy kinh tế nông nghiệp đa giá trị, làm sao phải đạt nông nghiệp thì sinh thái, nông nghiệp hiện đại và nông dân thì thông minh.  Gia Lai có những điều kiện thuận lợi, vì vậy chúng tôi phải đi nhanh hơn và có những độc đáo hơn.  Ngoài định hướng nông nghiệp công nghệ cao, ngoài ra phải đi theo hướng dựa vào Nghị quyết rau hoa, cây ăn quả, Nghị quyết phát triển dược liệu, phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế gắn với biến đổi khí hậu và Nghị quyết kêu gọi đầu tư. Một Nghị quyết quan trọng khác là chuyển đổi số”.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp, không ít thách thức mà Gia Lai cần phải vượt qua. Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT nêu: “Có mấy vấn đề mà chúng ta phải vượt qua. Vấn đề thứ nhất là chúng ta không chập chờn về nông nghiệp nữa. Tôi không thích lắm khi nói nông nghiệp là trụ đỡ mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói rằng: Nông nghiệp là thước đo bền vững của quốc gia. Mặc dù GDP không lớn nhưng nó lại trùm cả không gian kinh tế, không gian địa lý, bao trùm giữa bao nhiêu con người…Nếu nền kinh tế vượt lên giữa những người giàu, doanh nghiệp lớn, những nông dân tụt lại quá xa thì sẽ thấy những vấn đề xã hội phát sinh. Nông nghiệp bao giờ cũng là không gian tăng trưởng không bằng công nghiệp, dịch vụ nhưng mà ý nghĩa mục tiêu vì sao vẫn giữ nông nghiệp là như vậy. Chúng ta phải nhận thức bản thân nó là quan trọng rồi, trụ đỡ rồi, nhưng nếu có tư duy tích hợp, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nữa thì sẽ đóng góp vào nền kinh tế và nó là cấu trúc kinh tế-xã hội của một địa phương, một đất nước chứ không phải chỉ là một ngành kinh tế”.

Với xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay trên thế giới, các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cũng như thói quen tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn, thì việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp là xu thế tất yếu nếu không muốn bị tụt hậu, dậm chân tại chỗ. Vì vậy, không còn cách nào khác là Gia Lai phải thực hiện với tinh thần quyết liệt bằng một quyết tâm cao nhất để vượt qua các rào cản mang tính nội tại đã tồn tại từ nhiều năm nay, phát huy những giá trị của một viên ngọc quý như nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai, qua đó không chỉ gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp mà cả nền kinh tế địa phương nhờ sự tích hợp các giá trị kinh tế – văn hóa – xã hội trong chính sản phẩm nông nghiệp.

Hồng Uyên –  Ksor Tuối – Viễn Khánh


Lượt xem: 13

Trả lời