Thiện nguyện từ gốc rễ

Cập nhật 06/12/2019, 08:12:20

Là người trẻ lại có nhiều cơ hội để tiến thân, chàng thanh niên gốc Hà Nội – Lê Minh Sơn đã chọn cho mình một cuộc sống đầy màu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là việc đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều điều. Đặc biệt trong hành trình khám phá giá trị cuộc sống ấy, Lê Minh Sơn lựa chọn TP Pleiku là một trạm dừng chân để thực hiện một công việc vô cùng ý nghĩa. Câu chuyện sau đây sẽ giới thiệu với quý vị khán giả về chàng trai 23 tuổi này.

Lê Minh Sơn được cộng đồng mạng, đặc biệt là những người yêu thích bộ môn bóng bàn biết đến nhiều với tài khoản mang tên Cao Sơn. Thế nhưng ít ai biết rằng, chàng trai ấy ngoài việc đăng tải clip hướng dẫn kỹ thuật chơi bóng bàn với mong muốn ngày càng nhiều người yêu thích việc rèn luyện thể thao để đảm bảo sức khỏe còn rong ruổi khắp mọi nơi để dạy bóng bàn, đặc biệt là dạy miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Lê Minh Sơn chia sẻ: “Như Bác Hồ đã nói: tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình. Em thì chỉ có thể dạy các em chơi bóng bàn trước hết là để cho khỏe, sau thì có một cái nghề có thể kiếm thu nhập, bạn nào mà đánh giỏi thì có thể giúp đỡ cho người khác nữa”.

Câu lạc bộ bóng bàn ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai được ra đời cũng từ suy nghĩ đó khi Lê Minh Sơn dừng chân tại thành phố Pleiku. Nhờ sự đồng cảm và ủng hộ của nhiều người, từ 1 bàn bóng bàn ban đầu, hiện câu lạc bộ đã có 7 bàn, 50 em nhỏ được trang bị vợt, trang phục thể thao và 1.000 quả bóng để tập luyện. Thời gian rảnh được lấp đầy bởi các buổi tập, và các em gọi người mang niềm vui đến cho mình bằng 2 tiếng “thầy giáo” với tất cả tình cảm trìu mến, thân thương. Đặc biệt là khi người thầy ấy mang đến cho các em nhiều hơn ngoài kiến thức.

Em A Myin – Trung tâm bảo trợ XH tỉnh Gia Lai cho biết: “Hồi lớp 8 em không học theo kịp các bạn, em xin cô cho nghỉ học. Nếu không có thầy Sơn ở đây thì các cô sẽ trả em về địa phương. Có thầy Sơn em rất mừng và được ở với thầy, em thấy rất vui. Trước đây, em chưa biết cầm vợt nhưng nhờ thầy dạy và phát hiện em có năng khiếu môn bóng bàn. Thầy nhận em làm con nuôi và động viên em theo đuổi bộ môn bóng bàn để trong tương lai có thể làm huấn luận viên bộ môn này”.

Ngay cả bản thân Sơn cũng không nghĩ dự định dạy bóng bàn cho trẻ em nghèo lại dẫn đến quyết định trở thành cha nuôi. Có lẽ tự thân trái tim nhân ái với suy nghĩ sống lạc quan và tích cực đã dẫn lối cho nghĩa cử cao đẹp này, mặc dù vẫn biết chặng đường phía trước không hề dễ dàng.

Anh Lê Minh Sơn cho biết thêm: “Chắc chắn phải nhiều trách nhiệm hơn, không chỉ là dạy bóng bàn hay nói vài câu về cuộc sống. Khi ở cùng với Amyin, người ta nói “Gần mực thì đen, gần đen thì sáng” nên mình phải là một tấm gương, phải tự sửa lại mình, mình cư xử và hành động phải chỉnh chu hơn để Amyin ở cạnh và học hỏi mình”.
Bà Vũ Thị Bắc – Trưởng phòng Chăm sóc khẩn cấp và dài hạn, Trung tâm Bảo trợ XH tỉnh Gia Lai nhận xét: “Theo góc độ của mình, thì Cao Sơn là một người thầy thầm lặng, bạn đã tạo ra cách hướng nghiệp cho các em nhỏ ở trung tâm. Mình khâm phục trước tấm lòng của bạn”.

Hoà Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 518

Trả lời