Thị trường hồ tiêu và vòng xoáy phát triển hồ tiêu

Cập nhật 05/3/2017, 05:03:46

Chưa nói đến giá trị kinh tế mang lại từ xuất khẩu hồ tiêu cho Việt Nam, mà chỉ cần nhìn thực tế lợi nhuận cũng như thu nhập từ cây hồ tiêu đối với người trồng tiêu những năm qua cũng thấy rằng đây là loại cây trồng làm giàu của không ít người. Tuy nhiên cũng có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận đó là tình hình dịch bệnh trên cây hồ tiêu xuất hiện ngày càng nhiều và giá cả hồ tiêu gần đây cũng biến động theo chiều hướng giảm.Thế nhưng thay vì tìm giải pháp cho phát triển bền vững loại cây trồng này thì người dân vẫn cứ tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn. PS sau được thực hiện tại huyện Chư Sê – địa phương được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai.

Với 1.000 trụ tiêu, trong đó 700 trụ cho kinh doanh; và giá bán 111.000 đồng/kg tiêu khô; vụ tiêu 2016-2017 này, gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 3 (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thất thu khá nhiều vì giá tiêu giảm và năng suất cũng giảm; mặc dù toàn bộ diện tích tiêu này mới chỉ cho thu hoạch năm thứ hai.

Chị  Tuyết cho biết: “Giá cả thì năm nay mất chỉ bằng một nửa năm ngoái thôi, sản lượng thì dân tất cả ở khu này năm nay cũng mất mùa. Giá cả như thế này, chưa thu hết thì em cũng chưa biết được giá cả, nếu mà nó lên được một tí thì bà con nông dân cũng ăn mừng; còn nó xuống mà với sản lượng như thế này thì phân tro chúng em cũng chỉ đủ thôi”.

3.750ha là con số thống kê mới nhất của ngành chuyên môn huyện Chư Sê về diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện. So với niên vụ 2015-2016, năng suất tiêu của thủ phủ hồ tiêu Chư Sê trong niên vụ 2016-2017 này giảm từ 20-30%, với bình quân khoảng hơn 3 tấn tiêu khô/ha; trong khi những năm trước bình quân từ 4-5 tấn/ha. Năng suất giảm là điều dễ hiểu bởi dịch bệnh trên cây hồ tiêu xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có bệnh chết nhanh chết chậm. Và còn một nguyên nhân nữa đó là nhiều diện tích tiêu được người dân trồng mới thay thế trên chính những diện tích cũ, thậm chí trên cùng một trụ tiêu bị bệnh chết trước đó.

Anh Nguyễn Văn Hiệp – huyện Chư Sê, Gia Lai nói: “  Như thế này thì người trồng tiêu nói chung cũng không thu lãi, thu lãi thì cũng không được bao nhiêu. Nói chung mấy năm về trước thì giá có tăng hơn, người trồng tiêu phấn khởi hơn, thu hái rầm rộ hơn; nhưng năm nay thu hái kém hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Mặc dù là thấp nhưng cũng đang ở mức có lãi. Thì hiện nay bà con đang tích cực thu hoạch, đầu tư cho vườn tiêu để vụ năm 2017 năng suất sẽ tăng thêm”.

Cách đây khoảng 2 năm, giá hồ tiêu tại cùng thời điểm này khoảng từ 200.000 – 220.000 đồng/kg; thế nhưng đến năm 2016 vừa qua hạ xuống còn từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, và hiện tại ở mức từ 110.000 – 115.000 đồng/kg. Giá lên cao, người dân thấy lợi trước mắt rồi đổ xô trồng; còn những hệ quả khác lại không nghĩ tới. Với một địa phương như huyện Chư Sê, việc phát triển diện tích hồ tiêu có lẽ không chỉ dừng lại trên địa bàn huyện, bởi thực tế cũng đã có không ít người dân của Chư Sê mở rộng phát triển diện tiêu của gia đình tại những địa phương khác trong tỉnh. Bài toán về thị trường giá cả và phát triển diện tích của loại cây trồng được xem là “vua” của các loại gia vị này cứ thế như một vòng xoáy, và chỉ khi nào tìm được lối ra thì cây tiêu mới phát triển một cách bền vững, lợi ích cho người trồng tiêu mới được đảm bảo./.

Mỹ Tiến, Minh Trí


Lượt xem: 47

Trả lời