Thành phố Pleiku hướng đến nền nông nghiệp sạch

Cập nhật 02/8/2022, 07:08:53

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường, việc sản xuất nông nghiệp sạch hiện nay đang là mục tiêu hướng đến của bà con nông dân trên địa bàn thành phố Pleiku.

Thành phố Pleiku đã phối hợp với Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 tổ chức đào tạo VietGAP cho 400 người về thực hành nông nghiệp tốt và cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 20 hộ. Đến nay, nhiều hộ gia đình, tổ hợp tác trên địa bàn thành phố đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng biện pháp thủ công trong sản xuất cũng như xây dựng được 10ha mô hình nhà lưới và 18,2ha rau màu đạt chuẩn VietGAP với tổng năng suất đạt trên 130 tấn/năm.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị – Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dịch vụ An Phú Thịnh cho biết: “Theo nhu cầu của thị trường hiện nay thì cần phải có những sản phẩm rau an toàn để đảm bảo sức khỏe cho người dân và nhu cầu này rất là lớn, chính vì lẽ đó cho nên chúng tôi cũng đã thành lập hợp tác xã để sản xuất ra rau an toàn.  Qua quá trình làm thì chúng tôi thấy rằng cơ bản đã đạt được những hiệu quả bước đầu”.

 Không chỉ đối với sản xuất rau màu, người chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng đã đổi mới phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn, đầu tư phát triển theo hướng gia trại, trang trại ứng dụng công nghệ cao, đưa các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, đến nay, toàn thành phố có 51 trại chăn nuôi với quy mô từ 200 – 2000 con/1 trang trại .

Bà Lê Thị Kim Ngọc, xã Chư Á – TP. Pleiku cho biết; “Trong quá trình chăn nuôi thì tôi lựa con giống có nguồn gốc tại Trung tâm giống vật nuôi, đã được tiêm đầy đủ vacine, thiếu thứ gì thì tôi bổ sung thêm thứ đó. Sử dụng những thực phẩm không có thuốc kháng sinh để nuôi con heo cho đảm bảo chất lượng”.

Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực trong mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng của địa phương bởi quy mô sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ lao động còn thấp, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật còn hạn chế. Bên cạnh đó, nông dân chưa chú trọng việc đánh giá thị trường trước khi quyết định đầu tư nên vẫn còn tình trạng cung vượt cầu, việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm khó khăn và phải cạnh tranh với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc khiến sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tạo ra hiệu quả kinh tế.

Bà Phan Thị Thu Trang, Phó trưởng Phòng Kinh tế TP. Pleiku cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức của người nông dân cũng như người tiêu dùng về nông nghiệp hữu cơ; Xây dựng mô hình khuyến nông về sản xuất chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Hoàn thiện các quy trình kỹ thuật tập huấn, chuyển giao KH-CN cho nông dân; Xây dựng các mô hình hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm hữu cơ, sản phẩm OCOP”.

Để sản xuất nông sản sạch mang tính bền vững, thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đề ra phương hướng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nông sản chất lượng cao, an toàn, gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương./.

CTV Khánh Phượng – Bá Bính

 


Lượt xem: 16

Trả lời