Tết vui của bà con nông dân

Cập nhật 20/1/2023, 06:01:45

Một mùa Xuân nữa đã đến trong niềm hân hoan của mọi người, mọi nhà. Với bà con nông dân Gia Lai, sau một năm lao động cần cù, vất vả, Tết đến cũng là lúc họ tận hưởng những “quả ngọt” cho nỗ lực suốt một năm qua của mình. Năm nay, mưa thuận, gió hòa, giao thương thuận lợi, việc sản xuất của bà con vì thế mà gặp nhiều may mắn hơn. Với bà con nông dân, được mùa tức là được một cái Tết ấm no.

 Tết đến cũng là thời điểm gia đình anh Siu Pốp, ở làng Mrong Ngó 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh tổng kết lại vụ thu hoạch cà phê vừa xong của gia đình. Với hơn 4 ha cà phê được phát triển theo hướng sản xuất bền vững đáp ứng tiêu chuẩn 4C, vụ thu hoạch năm qua gia đình anh thu được trên 800 triệu đồng. Thành quả này là nhờ anh Pốp đã biết cách làm cà phê theo kỹ thuật mới, giảm và dần thay thế phân hoá học bằng phân hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên vườn cây. Vì thế, chi phí đầu tư cho vườn cà phê của gia đình cũng giảm đáng kể, và cây cà phê ngày càng xanh mướt, cho năng suất cao.

Anh Siu Pốp nói: “Làm cà cũng học hỏi nhiều, một phần tự làm. Mấy năm trước mình đầu tư hóa học nhiều, cà gần như bị già rồi. Rồi mình học hỏi anh em, dùng phân hữu cơ thì mấy năm nay. Ở nông thôn, muốn chăm được cây cà phê, phải chịu khó làm, chịu khó học hỏi kỹ thuật, vợ chồng phải siêng làm. Người dân họ nhiều khi còn thờ ơ, không suy nghĩ nhiều về cách làm, chỉ thích làm đổi công, thấy người ta làm sao mình làm vậy mà không chịu học hỏi. Chỉ làm theo phong trào thôi”.

 Thấy giá bán cà phê tươi không được cao như mong muốn, anh Siu Pốp cùng với các hộ trong tổ liên kết góp tiền mua máy chế biến hạt cà phê tươi để sơ chế. Nhân cà phê sau phơi khô bán được giá 45 nghìn đồng/1kg, cao hơn rất nhiều so với bán sản phẩm tươi. Điều này đã giúp anh cùng các hộ dân gia tăng đáng kể giá trị cà phê sau thu hoạch. Anh được xem là hạt nhân tiêu biểu khơi dậy phong trào thi đua sản xuất, gia tăng giá trị nông sản ở địa phương.

Anh Siu Pốp, Làng Mrong Ngó 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: “Bản thân hồi xưa cũng khó khăn lắm. Nghĩ ra là phải phấn đấu. Chịu khó làm cà phê để làm sao phát triển được kinh tế, xây dựng tổ ấm. Mình ở nông thôn nhưng cũng cố gắng phát triển theo xã hội. Mình cố gắng làm để sau này nuôi dạy con cái, cho cuộc sống của mình ngày một tốt đẹp hơn”.

Không chỉ biết cách học hỏi kỹ thuật để chăm bón cho ruộng vườn thêm năng suất, tiết giảm được chi phí mà những nông dân “thế hệ mới” còn biết cách làm thế nào để tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư máy móc, kỹ thuật để từng bước sơ chế, chế biến nông sản, phát triển thành các sản phẩm hoàn chỉnh để đưa ra thị trường. Hướng đi này không chỉ giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.

Anh Nguyễn Văn Hân, Chủ cơ sở sản xuất cà phê Nguyễn Hân, xã Ia Lang, huyện Đức Cơ cũng nói: “Ban đầu cũng khó khăn vì bà con quen với cách làm truyền thống, quy trình sản xuất và thu hoạch không đáp ứng được cho dòng cà phê chất lượng cao. Mình đi học về và tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con. Mình hướng tới người tiêu dùng thông minh, vì mọi người hiện nay rất ưa chuộng sản phẩm sạch. Cách làm của mình đáp ứng được những yêu cầu đó nên mình rất tự tin khi đưa sản phẩm ra thị trường”.

Phát huy tinh thần tự lực, sáng tạo, thi đua trong lao động, sản xuất, nhiều nông dân ở Gia Lai đã triển khai những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu cho bản thân, là gương sáng để cộng đồng dân cư xung quanh học tập. Đây là những hạt nhân giúp phong trào thi đua trong lĩnh vực nông nghiệp được lan toả rộng rãi. Đặc biệt là trong chuyển đổi phương thức canh tác, thay đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, góp phần tạo khí thế thi đua sôi nổi, động viên nông dân cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giàu.

Chính sự cần cù trong lao động, mạnh dạn trong tìm hướng đi đã giúp cho nông dân Gia Lai có được một năm thắng lợi trong sản xuất, kinh doanh.

Anh Trần Ngọc Thành, Xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang nói: “Bây giờ mình liên kết với HTX để sản xuất chanh dây, mình được cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, giá được hơn bên ngoài. Bản thân tôi và những hộ sản xuất chanh dây, năm nay giá được ổn hơn, rất là ổn, nói chung bà con liên kết trồng chanh dây có được một vụ mùa bội thu. Nói vui hơn là năm nay “bánh chưng sẽ có nhân”.

Ông Nguyễn Minh Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mang Yang cho biết: “Năm 2022 là năm dịch bệnh đã qua đi, trên địa bàn huyện cũng phát triển về cây ăn quả, dược liệu. Khi sản xuất ra, bà con sản xuất ra được tiêu thụ qua nhiều kênh như xuất khẩu, bán trong nước. Nên không có tình trạng sản xuất ra không có nơi tiêu thụ. Sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cho bà con”.

Mừng vui bởi một năm nhiều thuận lợi đã qua, bà con nông dân Gia Lai lại nuôi ước vọng về một năm mới đầy tiếng cười hân hoan trên ruộng đồng. Mang theo hành trang về những bài học thắng lợi trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và định hướng sản xuất của năm cũ, nông dân Gia Lai bước sang năm mới với niềm tin và khát vọng lớn hơn trong hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc với chính bàn tay, khối óc của mình.

 Ngọc Hà –  Duy Linh – Phi Long


Lượt xem: 12

Trả lời