Tây Sơn Thượng Đạo trong trái tim đồng bào Bahnar

Cập nhật 16/2/2022, 07:02:44

Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, nằm trên địa bàn: thị xã An Khê và 3 huyện: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ, tỉnh Gia Lai (ngày 18.01.2022 đã được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt). Mỗi điểm di tích trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đều có những câu chuyện và mang dấu ấn, giá trị lịch sử, văn hóa riêng. Trong đó, nổi bật là tình đoàn kết Kinh – Thượng đã được 3 anh em nhà Tây Sơn dày công vụn đắp.

Nằm phía sau ngôi làng Hlang yên bình, Cụm di tích Nền Nhà-Hồ Nước, Kho Tiền Ông Nhạc – Cho đến nay, dân tộc Bahnar vẫn gọi Nguyễn Nhạc là Bok Nhạc, có nghĩa là ông Nhạc, với sự kính phục và lưu truyền nhiều truyền thuyết, giữ gìn nhiều kỷ niệm về các thủ lĩnh Tây Sơn. Nơi này, lịch sử vẫn còn lưu dấu tiền nhân, kể câu chuyện về người anh cả của Tây Sơn tam kiệt trong thuở đầu dựng xây cơ đồ, làm nên nghiệp lớn.

Bà Đinh Thị Diên, làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Các già kể lại rằng: Ngày xưa Bok Nhạc tin cái bụng người Bahnar mình lắm nên đã dựng cái nhà, xây hồ nước, làm kho tiền để nuôi quân đánh giặc. Bok Nhạc đã dạy cho thanh niên biết cách làm đồn lũy, cách đánh giặc… Dân làng mình ai cũng tự hào vì Bok Nhạc đã từng sống ở làng nên người lớn, người nhỏ đều phải gìn giữ sự linh thiêng của Bok Nhạc để lại”.

Đời nối đời, các cư dân trên vùng đất này vẫn luôn trân quý, ra sức gìn giữ những di sản gắn liền với thân thế, sự nghiệp của anh em Tam kiệt Tây Sơn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Cụm di tích Nền Nhà-Hồ Nước Ông Nhạc đã được trùng tu, tôn tạo mang dáng vẻ tôn nghiêm, đồng thời vẫn tái hiện được những dấu ấn, tầm vóc lịch sử. Nền nhà được phục dựng, Hồ nước cũng được xây kè bằng đá ong, xung quanh khu di tích có đường đi lối lại thuận tiện…

Anh Đinh Byêi, làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Khu di tích đây gắn bó với làng Hlang, là thế hệ trẻ mình tự hào bảo vệ khu di tích Nguyễn Nhạc từ hồi xưa. Để mọi người khi đến đây tham quan được đẹp hơn, ngày một tốt hơn”.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Kông Chro Gia Lai cho biết: “Dưới góc độ ngành văn hóa đã có kế hoạch tham mưu cho huyện trùng tu, xây dựng thêm cho xứng tầm di tích đặc biệt… Để sắp tới đây có thể phát triển du lịch dựa trên di tích”.

Ngọn cờ khởi nghĩa của nghĩa quân Tây Sơn ngay từ đầu đã đoàn kết, tập hợp được đông đảo nông dân người Kinh và người Thượng và các lực lượng bất bình, chán ghét chúa Nguyễn. Nguyễn Nhạc là người khởi xướng và là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Trên vùng đất Tây Sơn Thượng, có khá đông đồng bào Bahnar đã gia nhập nghĩa quân. Bên cạnh nông dân người Kinh và người Thượng, cuộc khởi nghĩa còn thu hút được số thương nhân, thổ hào và phong kiến lớp dưới tham gia…

Dân gian còn truyền tụng về mối quan hệ giao lưu của người Kinh và người Thượng qua những câu ca: “Chợ Gò tháng nhóm mười phiên/Là trường giao dịch hai miền ngược xuôi/Bên thì Bok nhạc người trời/Bên thì Yã Đố là tôi của Yàng/Thượng Kinh tay bắt, tay quàng/Đổi trao hàng hóa đâu màng lợi riêng”.

Trải qua thăng trầm, biến thiên của lịch sử, các điểm di tích ít nhiều đã chịu sự bào mòn của thời gian nhưng từng ngọn núi, tảng đá, gốc cây… đều thấm đẫm hào khí của nghĩa quân Tây Sơn từ thuở đầu dấy binh khởi nghĩa.

Rừng Mộ Điểu xưa, nay thuộc làng Tú Thủy, xã Nghĩa An, huyện Kbang được người dân gọi là “Vườn mít, cánh đồng cô Hầu”. Điểm di tích này là bảo chứng cho mối tình giữa Nguyễn Nhạc và người con gái Banhar xinh đẹp tên Yă Đố (hay còn gọi là Cô Hầu). Bằng tài đức của mình, bà Yă Đố đã góp công sức rất lớn cho nghĩa quân Tây Sơn, không chỉ giúp anh em Nguyễn Nhạc kết giao với các tù trưởng; chiêu mộ binh sỹ, mà còn tổ chức khai hoang, sản xuất, cung cấp lương thực để nuôi quân. Hơn 2 thế kỷ đi qua, bà con Bahnar trong vùng vẫn truyền nhau câu ca:

Cánh đồng cô Hầu,

Đàn trâu ông Nhạc

Ngựa lạc vang lừng

 Voi rừng Tượng Đẫm

Như để ghi nhớ công ơn của Cô Hầu đã đóng góp cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, và cũng nhắc nhớ về mối tình đẹp giữa Cô Hầu với Nguyễn Nhạc đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết Kinh – Thượng trên vùng đất này…

Tiến sỹ sử học Nguyễn Thị Kim Vân  cho biết: “Anh em Tây Sơn là người đầu tiên gắn kết được mối đoàn kết Kinh – Thượng ở giai đoạn đầu một cách bền chặt, sâu sắc và thực tế nhất. Khi nghĩa quân Tây Sơn tiến về đồng bằng năm 1773  thì trong lực lượng của nghĩa quân có rất nhiều người dân tộc thiểu số, đọc trong các sử liệu, tài liệu thì đều nhắc đến những đàn voi chiến, những thớt voi trong đội quân ấy thì đó chắc chắn phải là nguồn từ vùng thượng đạo cung cấp cho các ông”.

Sau khi 3 anh em nhà Tây Sơn mất, tại An Khê đình, phía trước sân đình, nhân dân địa phương đặt thêm 3 am thờ. Các am này có lối kiến trúc truyền thống kết hợp: Phần trụ mang dáng dấp nhà sàn Bahnar, phần mái mang hình ảnh thu nhỏ ngôi nhà mái chái của người Kinh. Lối kiến trúc này thể hiện sự đoàn kết dân tộc có từ lâu đời giữa người Kinh và người Thượng, nhất là trong phong trào Tây Sơn. Đây là nơi thờ, tưởng nhớ công đức 3 anh em Tây Sơn tam kiệt của người dân địa phương. Tín ngưỡng thờ cúng này vẫn được nhân dân giữ gìn và duy trì cho đến nay. Thế mới thấy, cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn không chỉ lưu danh sử sách. Ở đó còn có đồng bào Kinh – Thượng sát cánh bên nhau, góp công, góp sức xây dựng cơ đồ. Bởi vậy, Tây Sơn Thượng đạo vẫn luôn có trong trái tim của đồng bào các dân tộc, trong đó có người Bahnar./.

 Song Nguyễn – Kim Ngân – Ksor Tuối


Lượt xem: 30

Trả lời