Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Cập nhật 26/6/2019, 08:06:52

Các cấp, ngành và các đơn vị chủ rừng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn – đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý, bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2019, sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 1123 của UBND tỉnh về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp, trồng rừng và Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do UBND tỉnh tổ chức vào ngày (25/6).

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 264 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giảm 70 vụ so với cùng kỳ; 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 90 ha rừng. Đối với Kế hoạch 1123, 2 năm qua các địa phương, đơn vị chủ rừng đã vận động người dân kê khai được trên 27.000 ha đất nông nghiệp đang canh tác trên đất lâm nghiệp; đồng thời, triển khai trồng được hơn 13.000 ha rừng. Qua 2 năm triển khai Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó tình trạng vi phạm, xâm hại đến tài nguyên rừng đã giảm đáng kể; cụ thể năm 2018 giảm 174 vụ vi phạm so với năm 2017 và 6 tháng đầu năm giảm hơn 20% số vụ so với cùng kỳ năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng: Dù đã tăng cường các biện pháp song hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa cao và còn nhiều tồn tại. Đó là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa phát huy được vai trò và có nơi còn thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với các xã được giao quản lý rừng; Một số đơn vị chủ rừng còn buông lỏng quản lý, thậm chí là có tiêu cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng đông nhưng không mạnh, còn có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức; lãnh đạo  ngành chức năng  chưa thật sự sâu sát cơ sở, bám nắm địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách; Công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp  có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Do đó, trong thời gian tới, đồng chí Dương Văn Trang yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của các cấp về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đối với 22 đơn vị chủ rừng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nếu để xảy ra mất rừng, mất đất rừng sẽ bị xử lý nghiêm. Các địa phương trong tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra đối với 138 xã là chủ rừng và trong quý III/2019 phải báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Ngành chức năng tiến hành rà soát lại 318 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, nếu không đúng, đủ các điều kiện thì thu hồi giấy phép; lực lượng chức năng phải nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, làm trong sạch đội ngũ. Cùng với đó, tiếp tục vận động, yêu cầu nhân dân kê khai diện tích đất rừng đã lấn chiếm để triển khai công tác trồng rừng theo kế hoạch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu rõ: Qua 2 năm triển khai Chỉ thị 13 của Ban Bí thư, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Song bên cạnh đó, vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và những vấn đề tồn tại, hạn chế đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu ra. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, nhất là cấp cơ sở phải có chương trình, kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Đồng chí Võ Ngọc Thành phát biểu:Phải có sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; đối với Trung ương thì có Chỉ thị 13, đối với Tỉnh ủy cũng đã có chương trình hành động thì đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần có chương trình, nghị quyết cụ thể để phân công trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị để cùng tham gia quản lý, bảo vệ rừng; nếu không các đơn vị chủ rừng đơn độc, không đủ sức quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó là phải huy động được sức mạnh của cộng đồng dân cư. Và phải làm thế nào để huy động được sự tham gia của người dân thì cần có sự vào cuộc của các cấp từ tỉnh đến cơ sở và của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; làm sao để người dân thấy được đây là trách nhiệm và người dân cũng phải có được nguồn lợi từ việc tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Đối với việc triển khai Kế hoạch 1123 Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng thì cùng với công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ về lợi ích của việc trồng rừng, đồng chí Võ Ngọc Thành đề nghị các ngành, địa phương phải có giải pháp để đảm bảo cuộc sống cho người dân khi tham gia trồng rừng: “Chúng ta cần phải tính toán để hỗ trợ, giúp cho người dân đảm bảo được cuộc sống khi giao trả đất rừng đã lấn chiếm vì người dân đã gắn bó, canh tác lâu đời. Với những năm đầu khi cây rừng chưa khép tán thì cần định hướng giúp người dân xen canh các loại cây trồng; còn khi rừng khép tán thì cũng có thể hỗ trợ trồng các loại cây dược liệu”.

Với những giải pháp đã đưa ra và nhất là chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đề nghị các cấp, ngành và các đơn vị chủ rừng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn./.

Đức Hải; Minh Trung     


Lượt xem: 34

Trả lời