Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Những hệ lụy dài lâu

Cập nhật 14/11/2023, 16:11:25

Câu chuyện tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từ lâu thực sự là một rào cản rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, cho chính người trong cuộc nói riêng, gây ra những hệ lụy dai dẳng kéo dài nhiều thế hệ. Hệ lụy ấy là bệnh tật, là đói nghèo, là những ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ tương lai.

Lấy chồng từ năm 17 tuổi, dù bị gia đình hai bên ngăn cản vì là anh em họ nhưng vợ chồng chị KPuih H’Hồng ở làng Ngo Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ vẫn quyết cưới nhau. Và hệ lụy của cuộc hôn nhân ấy, hơn 10 năm qua luôn là nỗi đau, là căn bệnh chẳng thể chữa lành của 2 đứa con nhỏ.

Chị KPuih H’Hồng – Làng Ngo Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơcho biết: “Mình 17 tuổi mình đẻ đứa con thứ nhất, sau đẻ con thứ 2 hơn 1 tuổi không đi lại được, mắt không nhìn thấy đường giờ không biết đi, rồi đẻ đến con thứ 3 cũng như vậy hơn 1 tuổi không nhìn thấy được nó cũng bò không vững bị ngã đạp đầu suốt. Nó ốm phải cõng miết không chịu nằm mình ở nhà mình cõng miết mình cũng ốm theo, mình cũng khóc, mình không có tiền để mua thuốc. Con mình bị như vậy mình thấy thương hai đứa, không biết làm gì được. Mình lấy chồng mười mấy năm rồi, khổ, ở nhà không làm gì hết, không kiếm được tiền mình xót xa nhìn thấy hai đứa  mình đau lòng.”

 Hôn nhân cận huyết giữa những người có cùng dòng máu trực hệ, có họ hàng gần chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền. Từ những nỗi đau để lại, nhiều gia đình đã thấm thía hệ lụy nặng nề từ việc kết hôn cận huyết thống nên tình trạng này đã giảm hẳn. Năm 2021 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 2 cặp kết hôn cận huyết thống và tín hiệu đáng mừng là 2 năm nay không ghi nhận trường hợp nào.

Hôn nhận cận huyết thống đã giảm nhưng số cặp tảo hôn tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn cao. Việc lấy nhau khi chưa đủ tuổi, rồi sinh con đã gây Ở Khoa Sơ Sinh, Bệnh viện Nhi Gia Lai có nhiều trường hợp trẻ sinh non có mẹ ở độ tuổi từ 15-17. Mang thai, sinh con khi chưa đủ tuổi, trẻ sinh ra thường bị sinh non, nhẹ cân và các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng khác ở giai đoạn sơ sinh. Với các bé này đều đòi hỏi một sự chăm sóc đặc biệt. Đây là điều mà các bà mẹ tuổi vị thành niên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực.

 Em Khyan – huyện Đak Đoa nói: “Em 16 tuổi, mang thai 6 tháng thì sinh con, con em sinh ra có 1,2 kg. Con nhỏ chăm vất vả, có một mình em chăm, chồng đi làm xa, bố mẹ cũng đi làm không có ai chăm.”

 Em Rơ Mah Nga – huyện Ia Grai chai sẻ: “Năm nay em được 16 tuổi, em lấy chồng từ năm em 15 tuổi. Con em sinh non 32 tuần, con em 1,6 kg. Con em đang rất nhỏ chăm rất khó, tại con em sinh non bác sỹ  nói rất là khó chăm, em rất là lo.”

Việc lập gia đình sớm, mang thai và sinh đẻ trong lứa tuổi vị thành niên khi cơ thể người mẹ chưa phát triển hoàn thiện là một trong những nguyên nhân làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi; tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản trong độ tuổi từ 15-19. Theo các bác sỹ, việc làm mẹ qua sớm sẽ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ  do cơ thể các em gái chưa hoàn thiện nên khi sinh con ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của chính bản thân người mẹ và con trẻ, kéo theo đó là nhiều hệ lụy cho cả xã hội.

Bác sỹ Hoàng Ngọc Thành – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Gia Lai trao đổi: “Việc tảo hôn gây ra những hệ lụy cả nhiều phương diện lên phương diện bà mẹ, em bé và cả xã hội. Đối với bà mẹ thì những bà mẹ này tuổi chưa phù hợp để mang thai để sinh con, cơ quan sinh sản chưa hoàn chỉnh, khi sinh những cháu nhỏ này ra cơ thể người mẹ dễ bị những biến chứng sau sinh, dễ bị băng huyết, những trường hợp thai nhi tử lưu bị rối loạn đông máu, gây chảy máu sau sinh ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Về mặt em bé sinh non, tại thời điểm sinh có những biến chứng của sinh non những bệnh đó thường rất nặng, công tác điều trị cho em bé cũng khó khăn. Khi gặp em bé sinh non ở bà mẹ sinh con ở tuổi nhỏ, trước đó có tảo hôn, có những em sinh do sinh non em bé lớn lên có những dị tật.”

Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã để lại những nỗi đau mà chỉ người trong cuộc mới tỏ tường. Và những hệ lụy ấy vẫn đang đè nặng lên cuộc sống, lên tương lai của nhiều thế hệ.

Kim Châu – Thanh Sáng – Minh Trung


Lượt xem: 8

Trả lời