Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đẩy mạnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu

Cập nhật 21/8/2021, 08:08:41

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đã và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm từng bước giúp xây dựng, khẳng định thương hiệu cho nhiều sản phẩm của tỉnh trên thị trường theo xu thế đổi mới, cạnh tranh để phát triển.

Với mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm thiên nhiên, ông Lê Đình Trọng, thành phố Pleiku đã lựa chọn phát triển các sản phẩm tinh dầu của gia đình theo quy trình từ trồng, chăm sóc, xử lý và chưng cất tinh dầu. Để chủ động nguồn nguyên liệu, gia đình đã liên kết với các hộ nông dân trồng sả, bạc hà, trầu không, gừng và các loại dược liệu có nguồn gốc bản địa…nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Sau hơn 3 năm triển khai, các sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường và được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng kí nhãn hiệu An An Farm và kiểm tra các tiêu chuẩn công nhận sản phẩm đáp ứng chỉ số an toàn để phát triển sản phẩm OCOP.

Ông Lê Đình Trọng – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV An An nói: “Chúng tôi được sự hỗ trợ rất tốt từ UBND thành phố Pleiku và các sở, ban, ngành khác để hoàn thiện dần quy trình sản phẩm của mình và chúng ta phải nói rằng, chúng ta có OCOP. Từ OCOP chúng ta làm hồ sơ, định dạng thương hiệu, định dạng sản phẩm để càng ngày càng có chỉ tiêu chất lượng tốt hơn nhằm mang tới người tiêu dùng sản phẩm tốt hơn.”

Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho nhãn hiệu không chỉ được chú trọng thực hiện đối với những sản phẩm mới mà những sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê cũng được Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành hỗ trợ nhiều cá nhân, tổ chức. Bởi việc bảo hộ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu sẽ hạn chế một cách tối đa các thiệt hại do việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu bất hợp pháp từ các chủ thể khác; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu cũng là cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Hiếu – Giám Đốc Công Ty TNHH Cà Phê Mưa cho biết: “Tôi cũng được Sở Khoa học và Công nghệ và các anh chị hỗ trợ giúp đỡ trong việc đăng kí Sở hữu trí tuệ với nhãn hiệu của Công ty là “Purity Coffee”. Hiện tại công ty chúng tôi đang xây dựng và phát triển trên nền tảng, nhãn hiệu như vậy, mong muốn phát triển nhãn hiệu, thương hiệu được tốt hơn.”

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn cho 180 tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và hỗ trợ thủ tục đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích. Đồng thời, triển khai công tác xác lập cho nhãn hiệu chứng nhận Bò Krông Pa, Chanh dây Gia Lai, xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp , Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tiêu thụ nông sản trong và ngoài tỉnh vào các kênh phân phối, tiến tới đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thông qua các chương trình tham gia hội chợ thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước,… Thông qua các sự kiện nhằm giới thiệu, quảng bá tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, tạo cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp trong tỉnh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tiếp tục có định hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại, bền vững.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thông tin: “Chúng ta đã xây dựng được “Gạo Phú Thiện”, Xây  dựng rau an toàn An Khê, phục tráng Khoai lang Lệ Cần, Phở 2 tô, xây dựng được Chỉ dẫn địa lý Gạo Ba Chăm. Việc ứng dụng xây dựng nhãn hiệu sẽ nâng cao giá trị 1 sản phẩm, không chỉ trên 1 đơn vị diện tích vì nhãn hiệu ấy bảo vệ giá trị của từng loại sản phẩm của mình, đó là xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.”

Trong xu thế phát triển đi lên và lâu dài thì các  tổ chức, cá nhân đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng, đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao uy  tín, chất lượng sản phẩm.  Qua đó, tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh và giúp người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thúy Diện, Minh Trung


Lượt xem: 4

Trả lời